Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lời tự tình trong “Miên man khúc làng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tác giả Nguyễn Tiến Lập bén duyên với thơ và ra sách khi bước vào giai đoạn “lục thập nhi nhĩ thuận” của đời người.

Vượt qua rào cản tuổi tác và sức khỏe, ông vừa trình làng tập thơ thứ 2 “Miên man khúc làng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023). Tập thơ gồm 55 bài, mà theo lời của tác giả thì đây là dấu mốc kỷ niệm ông tròn 55 tuổi Đảng.

Kỳ thực, con số 55 thuộc về định lượng còn trong tập thơ này, người đọc có thể nhận ra 2 phần: Một phần viết về làng, đúng chất miên man với lối diễn ngôn tình cảm thiết tha, trong đó có thấp thoáng bóng dáng của buôn làng Tây Nguyên trong mối quan hệ văn hóa-con người-cảnh quan thiên nhiên đã thuộc về quá vãng, được bảo tồn trong tiến trình giao lưu đan xen được-mất.

Cùng với đó là những hoài niệm kiểu “thương nhớ miền quê” của một người con xa xứ luôn đau đáu nỗi niềm với cố hương, người cũ. Phần còn lại là những ngẫm suy thế sự, tự soi chiếu suốt hành trình cõi nhân gian 3/4 thế kỷ của bản thân tác giả. Ấy là khi đọc, tôi tạm chia ra vậy.

Còn với tác giả Nguyễn Tiến Lập, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm với “đất quê, lề thói”, với cuộc sống đa diện mà nhờ đó lan tỏa tin yêu cuộc sống. Và khi hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ hiểu không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tiến Lập chọn “Miên man khúc làng” làm nhan đề cho tập thơ.

Bìa tập thơ “Miên man khúc làng”. Ảnh: Đ.P

Bìa tập thơ “Miên man khúc làng”. Ảnh: Đ.P

Khởi đi từ không gian làng để rồi thành niềm thương nỗi nhớ đến day dứt khôn nguôi. Sau đằng đẵng thời gian quay về, nhịp sống làng quê cũ không nhiều thay đổi, vẫn “đất bậc thang buộc chung thủy với cái cày/chị vẫn chảy máu cam giữa trưa hè say nắng/vẫn lập cập lội bùn chân buốt cóng/dáng mẹ liêu xiêu tím tái hoàng hôn” mà tự nhiên thấy mình có lỗi. Lại dấy thêm nỗi buồn khi biết “Bạn đồng niên vắng hẳn mấy người/những tên xóm, tên làng heo hút tủi hờn chỉ còn trong nỗi nhớ” (Về quê).

Cứ như thế, đọc các bài: Cố hương, Đất quê, Về quê sau mưa bão, Trăn trở, Sắp Tết, Mưa đầu mùa, Dĩ vãng, Chiêm bao ngày… chúng ta cảm nhận rõ hơn tiếng lòng thổn thức, cảm xúc ngậm ngùi trong nuối tiếc ẩn hiện cùng niềm trăn trở mà vẫn ấm áp tình người.

Còn có không gian làng quê gắn với con người cụ thể trong xiết bao nhớ thương, nặng lòng tri ân đã cưu mang tác giả trên bước đường hành quân thời trận mạc giờ chỉ còn là khói hương, ngậm ngùi: “con về hồn mẹ về theo/đón con/ngõ xóm, làng nghèo vấn vương/chập chờn bóng mẹ… khói hương/con xin thắp nén tâm nhang/dâng người”. (Đồng khuya vẳng tiếng vạc đêm nao lòng).

Những miền đất gắn với tên người theo dòng cảm xúc như vậy còn hiện ra ở các bài như: Về thành cổ, Thăm Đồng Lộc, Về quê sau mưa bão, Tôi khóc, Về lại thành cổ, Có một ngày như thế, Về đi đồng đội ơi...

Không sa vào không gian văn hóa làng Tây Nguyên bằng bút pháp tả thực mà Nguyễn Tiến Lập đã khéo léo hóa thân, nhập hồn vào con người, thiên nhiên thông qua tập quán sản xuất, lễ hội, trang phục, kiến trúc nhà ở… từ đó đem đến cho bạn đọc sự lấp lánh của một vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên qua hình ảnh chắt lọc: tượng nhà mồ, ché rượu, vòng tay, thổ cẩm, xoang, nhà sàn, hoa pơ lang, chim chơ rao…

Nhập thế và suy ngẫm; mượn cảnh để ngỏ tình là mô-típ quen thuộc của người cầm bút. Nhiều bài trong tập thơ này, tác giả đã tỏ bày “nhân tình thế thái” với thái độ thản nhiên, chấp nhận như là điều vốn dĩ: Sợ, Tự khúc, Con chữ, Vậy thôi, Chớ làm mặt hồ nổi sóng… Có tiếc nuối-khát khao-chiêm nghiệm những điều tốt đẹp thuộc về bản ngã bằng tư duy triết luận khiến người đọc phải dừng lại, suy ngẫm.

Và, trong dòng chảy của thơ ca, Nguyễn Tiến Lập đã nỗ lực cách tân nghệ thuật, tìm kiếm, sáng tạo mong để lại dấu ấn thẩm mỹ riêng trong lòng bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm