Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Long An thông tuyến dự án đường Vành đai TP.Tân An hơn 3.100 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường Vành đai TP.Tân An (Long An) là trục giao thông liên kết quan trọng giữa TP.Tân An và các huyện Châu Thành - Tân Trụ - Thủ Thừa, nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương - QL62 - QL1…, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương.

Ngày 23.12, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ thông tuyến dự án đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Đây là một trong 3 công trình trọng điểm được đề ra tại 2 lần Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An gần nhất.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An tuyên bố dự án đường Vành đai TP.Tân An thông tuyến vào sáng 23.12

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An tuyên bố dự án đường Vành đai TP.Tân An thông tuyến vào sáng 23.12

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đông đảo người dân địa phương đến dự.

Cắt băng thông tuyến dự án đường Vành đai TP.Tân An

Cắt băng thông tuyến dự án đường Vành đai TP.Tân An

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An khẳng định, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Long An nói chung và TP.Tân An nói riêng. Bởi tuyến đường Vành đai TP.Tân An góp phần giảm áp lực giao thông cho QL1 và Tuyến tránh QL1 (đoạn đi qua TP.Tân An); giảm tải lưu lượng phương tiện cơ giới đi sâu vào trong khu nội thị của TP.Tân An; đảm bảo tính kết nối liên hoàn giữa các phân khu đô thị, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới kiểu mẫu hình thành song song với tuyến đường.

Tuyến đường còn là trục giao thông liên kết quan trọng giữa TP.Tân An và các huyện Châu Thành - Tân Trụ - Thủ Thừa, tạo ra khu vực hành lang quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao hoạt động thương mại - dịch vụ; cầu nối giao thông quan trọng từ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - QL62 – QL1 và tuyến giao thông dọc hai bên sông Vàm Cỏ Tây hướng về trung tâm TP.HCM. Dự án sau khi đưa vào khai thác sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TP.Tân An, góp phần giúp địa phương gia tăng tính kết nối với TP.HCM, cũng như kết nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ với vùng Đông Nam bộ và TP.HCM, sớm đưa TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại I.

Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc hạng mục thành phần của dự án đường Vành đai TP.Tân An

Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc hạng mục thành phần của dự án đường Vành đai TP.Tân An

Ông Nguyễn Văn Được cũng lưu ý UBND tỉnh và TP.Tân An cần triển khai ngay phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường Vành đai TP.Tân An và các tuyến đường kết nối đảm bảo hiệu quả, khả thi, đồng bộ, phù hợp với định hướng Quy hoạch của tỉnh và TP.Tân An để tạo nguồn lực và động lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết dự án đường Vành đai TP.Tân An có tổng chiều dài 22,35km (trong đó có 5 cầu với tổng chiều dài gần 1,2km), đi qua địa bàn H.Thủ Thừa (chiều dài 2,8km) và TP.Tân An.

Mặt đường thiết kế vận tốc đạt 60km/giờ, trọng tải trục đơn 12 tấn, cầu theo tiêu chuẩn HL93. Dự án được chia thành 13 gói thầu thi công, trong đó có một số gói thầu khởi công vào cuối năm 2019.

Tuyến đường Vành đai TP.Tân An được thiết kế phân nhiều đoạn có tải trọng, tiết diện mặt đường khác nhau. 5 cầu gồm cầu Rạch Chanh (dài 375m), cầu Máng (dài 68m), cầu Bảo Định (dài 132m) quy mô 6 làn xe; cầu vượt số 7 (dài 185m) vượt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương 3 làn xe; cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (dài 436m) 4 làn xe; mở rộng cầu Tổng Uẩn 4 làn xe.

Dự án có tổng vốn đầu tư 3.102 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và ngân sách tỉnh, T.Ư hỗ trợ. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng 1.661 tỉ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng diện tích đất phải GPMB là 1.294.899m² với 1.874 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Sở dĩ diện tích GPMB lớn tại TP.Tân An, chiều ngang bị giải tỏa rộng đến 73 m để sau khi làm đường, diện tích đất mặt tiền còn lại làm không gian phát triển mới theo quy hoạch phát triển phân khu thương mại, dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm