Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 21-4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.
Đến nay, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM (663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Cả nước đã có 100% tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 7.463 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 4.061 chủ thể (20 sản phẩm được công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia). Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2021 cả nước có 4 tỉnh, thành phố “trắng” hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương). Hiện cả nước còn 609.049 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,23%), 850.202 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,11%). Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (48.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương; 12.690 tỷ đồng ngân sách địa phương; 14.310 tỷ đồng vốn huy động).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku); có 91/182 xã đạt chuẩn NTM, 119 thôn, làng đạt chuẩn NTM; tổng vốn huy động cho xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 hơn 30.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 15,75%, bình quân mỗi năm giảm trên 3,15%. Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 14.943 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,96%), trong đó có 12.945 hộ dân tộc thiểu số nghèo (chiếm tỷ lệ 86,63%); không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021. “Đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu có 120 xã đạt chuẩn NTM trở lên; 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm trên 3%/năm...”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên thông tin.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc triển khai thực hiện 2 Chương trình MTQG của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các Chương trình MTQG: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Trong đó, quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình MTQG. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về nội dung, yêu cầu, những định hướng trong tổ chức thực hiện từng chương trình MTQG. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông việc tổ chức thực hiện cũng như kết quả đạt được của các chương trình MTQG.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành kế hoạch chỉ đạo địa phương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương được giao thực hiện các Chương trình MTQG. Các địa phương kịp thời xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, ưu tiên, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động tối đa nguồn lực hợp pháp hỗ trợ để thực hiện. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, công tác quản lý điều hành tổ chức thực hiện để chủ động triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm