Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lúa chét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo anh bạn tôi, lúa chét trở nên quý không bởi vì hiếm mà còn là nguồn thực phẩm sạch. Chọn lọc tự nhiên, đồng không mông quạnh họa hằn dăm ba chét lúa sót lại. Lúa không cần phân bón, thuốc trừ sâu, cứ tích nắng tụ mưa, hút mạch nguồn từ đất mà ngậm đòng đậu hạt. 
Mâm cơm ở nhà người bạn tự thuở thiếu thời bày nhiều món cây nhà lá vườn, sực nức hương đồng gió nội. Trước khi chạm ly mời nhau, bạn tôi đố: "Ông đoán xem rượu này ngâm với thức gì?".
Nước rượu sánh ngả màu vàng nhạt, lẩn sắc xanh đọt lá chuối non. Hương rượu thơm phảng phất hương lúa trổ đòng, ngậm sữa. Vị rượu nồng dịu, dư âm ngòn ngọt. Đến ly thứ 3, nóng bừng cả mặt mà tôi vẫn chưa có câu trả lời. "Rượu ngâm lúa chét đấy"-bạn tôi giải thích luôn.
Vậy là, kỷ niệm về cây lúa chét ùa về, râm ran câu chuyện trong bữa cơm.
Tuổi hoa niên thế hệ 6X chúng tôi trải qua những năm tháng của thời kỳ bao cấp. Hợp tác xã nông nghiệp canh tác mỗi năm 2 vụ lúa nước. Sau vụ Hè Thu, nơi đồng sâu, những thửa ruộng vốn của nhà mình ngày chưa vào hợp tác xã, chủ ruộng cắm cờ giữ lúa chét. Cờ là đọt tre tươi cắm giữa ruộng, xanh lá rất lâu, ngầm quy ước không cho vịt chạy đồng; trâu, bò đến ăn lúa chét-những cọng lúa nảy lên từ cuống rạ nhờ nguồn nước tự nhiên, chẳng cần chăm bón.
Lúa chét lưa thưa, ngắn gié, ít hạt, nhanh thu hoạch nên không lo bị ngập lụt. Năng suất lúa chét rất thấp. Liềm cầm tay, rổ cắp nách nhặt nhạnh cả buổi, hết ngày chưa đầy nong phơi. Nhưng có vẫn hơn không, chí ít cũng được vài bữa cháo loãng cầm hơi mùa giáp hạt.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
“Lúa chét có hiếm đâu, “bổ béo” gì lại đem ngâm rượu?”-tôi hỏi. Chẳng ngờ, anh bạn trả lời: Cực hiếm nữa là đằng khác. Bây giờ, cơ khí hóa nông nghiệp, máy gặt đập liên hợp đi qua, giẫm nát cả gốc rạ. Hệ thống kênh mương bê tông hóa, chủ động nguồn nước tưới tiêu nên trước và sau mùa gặt, cánh đồng đã khô ráo đất, lấy gì cho lúa chét đâm ngòi.
Với lại, thời buổi thừa thóc dư gạo có ai đi giữ ruộng lúa chét bao giờ! Lúa đổ trong quá trình gặt máy nhiều lắm nhưng chưa hết thời kỳ sinh trưởng, lớp thì vịt chạy đồng nhặt nhạnh, trâu bò thả rông ăn, nông dân làm đất chuẩn bị cho vụ Đông Xuân chứ lấy đâu ra chét”.
Theo anh bạn tôi, lúa chét trở nên quý không bởi vì hiếm mà còn là nguồn thực phẩm sạch. Chọn lọc tự nhiên, đồng không mông quạnh họa hằn dăm ba chét lúa sót lại. Lúa không cần phân bón, thuốc trừ sâu, cứ tích nắng tụ mưa, hút mạch nguồn từ đất mà ngậm đòng đậu hạt.
Có được bình rượu ngâm lúa chét ngon còn phải qua nhiều công đoạn: chọn gié lúa vừa ngậm sữa, phơi qua nắng, đảo qua lửa, loại bỏ hạt lép rồi mới ngâm với rượu ngon. Bình rượu sau đó được hạ thổ 3 tháng 10 ngày mới mang ra uống.
Cái sự dày công ấy cũng đủ cho ta cảm nhận bình rượu quý đượm vị, nồng hương! Và mới biết, văn hóa ẩm thực của dân mình cũng thật phong phú, đa dạng. Cùng một thức món, khi nâng tầm đặc sản, lúc hạ cấp bình dân. Thẩm định chất lượng, đôi khi còn nhờ đến ký ức!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm