Phóng sự - Ký sự

Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 1: Cạm bẫy khắp nơi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những dịp lễ lớn (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4, 1-5…) cận kề, dự báo các hình thức lừa đảo trực tuyến (nhất là cuộc gọi lừa đảo) tiếp tục gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp; công nghệ phát triển nhanh đã bị các nhóm tội phạm tận dụng để hình thành các hệ thống tổ chức lừa đảo mới, tinh vi.

LTS: Tình trạng lừa đảo trực tuyến đang lan rộng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại trên diện rộng. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, biện pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm, nhưng trên hết, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Mồi câu vé máy bay giá rẻ

Lợi dụng người dân có nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… trong những dịp lễ hoặc kỳ nghỉ hè sắp tới, nhiều đối tượng tạo lập các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo bán vé máy bay với những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Tuy nhiên, ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc. Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản, nhiều đối tượng tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn gài bẫy nhiều người.

Do vậy, người dân nên trực tiếp tìm đến các đại lý vé máy bay uy tín để được tư vấn, hỗ trợ mua vé. Đồng thời, cài thêm ứng dụng (app) của các hãng hàng không để kiểm tra xem mã đặt chỗ (code vé máy bay) được bên bán cung cấp có hợp lệ hay không.

Đi vay tiền, về mất tiền

Với một chiêu lừa khác, nhiều nhóm tội phạm gọi điện thoại, gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng để mời chào, cung cấp các khoản vay tín dụng online, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Trường hợp chị H.N.P. (ngụ thị trấn Earkar, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh đến Báo SGGP là một ví dụ điển hình. Chị P. nhận được điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên Công ty Tài chính HD SaiGon, trụ sở tại TPHCM, mời chào vay tiền với lãi suất ưu đãi. Đang cần một số vốn để buôn bán nhỏ, chị P. nghe theo hướng dẫn, tải ứng dụng, nhấn vào đường dẫn thông qua tin nhắn SMS để điền các thông tin cá nhân đăng ký vay tiền.

Công an tỉnh Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng Đinh Quốc Tuấn, thành viên một băng nhóm giả danh ngân hàng, công ty cho vay tài chính để lừa đảo. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Công an tỉnh Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng Đinh Quốc Tuấn, thành viên một băng nhóm giả danh ngân hàng, công ty cho vay tài chính để lừa đảo. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Sau đó, chị P. được một số người liên hệ qua Zalo, giới thiệu là nhân viên Công ty Tài chính HD SaiGon, cho biết chị được duyệt vay 50 triệu đồng và giải ngân chỉ sau 2 ngày; nhưng do chị điền sai thông tin cá nhân nên phải đóng phạt, số tiền này công ty sẽ hoàn trả chị P. sau khi giải ngân. Sau nhiều lần bị yêu cầu đóng tiền phạt, chị P. đã chuyển khoản hơn 120 triệu đồng cho các đối tượng...

Theo cảnh báo của cơ quan công an, các tin nhắn kèm đường dẫn cài đặt ứng dụng có nội dung: “Không cần thế chấp, lãi suất 0 đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… là một hình thức lừa đảo trực tuyến. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, cắt mọi liên lạc để không bị các đối tượng lừa đảo thao túng, dẫn dắt.

Mộng làm giàu trên mạng

Phát hiện tỷ lệ nhu cầu tìm kiếm việc làm tại nhà của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu quảng cáo “làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật” để kích thích người có nhu cầu tham gia, với lời hứa hẹn nhận được lợi nhuận cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra.

Bị dẫn dụ bởi “bánh vẽ” lợi nhuận khủng, nhiều người đã bị lừa tiền tỷ, trở nên trắng tay sau khi tham gia đầu tư chứng khoán, đầu tư tài chính. Cơ quan công an đưa ra cảnh báo: hiện nay, xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng các đầu số điện thoại 028888xxxxx/ 029988xxx tự xưng là nhân viên các sàn giao dịch chứng khoán (SSI, MBS, VPS, VNDIRECT…) liên tục gọi điện cho người dân tiếp cận tư vấn, dụ dỗ mua các mã cổ phiếu, chứng khoán.

Sau đó, các đối tượng dẫn dụ nạn nhân tham gia đăng ký tài khoản trên website, các hội nhóm (Zalo, Facebook, Telegram…) sử dụng thông tin thương hiệu (logo), hình ảnh mạo danh các sàn giao dịch chứng khoán chính thống. Tại các hội nhóm này, các đối tượng đưa ra nhiều thông tin về lợi nhuận đạt được của các nhà đầu tư (thực chất là giả mạo) nhằm tạo lòng tin và đánh vào tâm lý hám lợi kèm theo các cam kết, hứa hẹn sẽ được hưởng lãi suất rất cao dù không cần có kiến thức về chứng khoán, chỉ cần tham gia vào các hội nhóm và thực hiện giao dịch theo “chuyên gia”, “thầy”.

Một chiêu lừa đảo khác là các đối tượng mạo danh là đại diện tại Việt Nam của các quỹ đầu tư, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế kết bạn làm quen qua Zalo, Telegram, Facebook, sau đó gửi cho nạn nhân đường dẫn đến các trang web lạ để tải về và cài đặt các ứng dụng đầu tư chứng khoán, kèm lời hứa hẹn nếu tham gia sẽ có nhiều ưu đãi, thậm chí đạt được lãi suất đến 500%-600%/năm. Nếu nạn nhân muốn rút tiền đầu tư, các đối tượng này sẽ yêu cầu nạp thêm nhiều loại phí khác (như phí bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân, vi phạm chính sách chống rửa tiền…) để tiếp tục chiếm đoạt tài sản cho đến khi nhà đầu tư không còn khả năng tài chính.

Bị lừa tiền lần 1, không ít người tiếp tục bị lừa lần 2 do sập bẫy các nhóm lừa đảo mạo danh lực lượng chức năng. Thời gian qua, xuất hiện nhiều Fanpage và hội, nhóm trên mạng xã hội tự xưng là “cán bộ Cục An ninh mạng” và công an một số đơn vị, địa phương, hay công ty luật mời chào về việc cung cấp dịch vụ pháp lý, hứa hẹn giúp nạn nhân lấy lại tiền bị lừa. Tưởng rằng đây là “cọng rơm cứu mạng”, nạn nhân chuyển tiền cho các nhóm này để được giúp đỡ, và rồi tiếp tục bị chiếm đoạt tiền.

Bộ Công an khẳng định, hiện tại Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không có trang thông tin chính thức (website, Fanpage...). Đơn vị này đang xây dựng trang thông tin chính thống, có xác thực để hạn chế tình trạng giả mạo.

Từ những hình thức lừa đảo trên, cơ quan công an cảnh báo người dân cảnh giác trước các cơ hội kiếm tiền nhanh chóng, những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, hay “đầu tư lãi khủng”, thông báo trao thưởng, lời hứa hẹn tặng quà có giá trị từ những người bạn quen qua mạng xã hội… “Bởi cuộc đời này, chẳng ai cho không ai cái gì”, lãnh đạo một đơn vị phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nêu ý kiến.

Các cuộc gọi giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa rằng nạn nhân có liên quan một vụ án, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP đăng nhập; tiếp đó, buộc nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để chứng minh nguồn gốc tiền là trong sạch rồi chiếm đoạt là thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại “đời đầu”. Các cơ quan truyền thông và cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên không ít người vẫn mắc bẫy.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, những “con mồi” dễ bị sập bẫy lừa là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và trẻ em. Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), nhận xét, điện thoại thông minh đã phổ cập đến nhóm đối tượng trên, trong khi họ mới được tiếp cận công nghệ, khả năng nhận diện dấu hiệu lừa đảo tương đối thấp nên bị các băng nhóm lừa đảo trực tuyến nhắm vào.

Có thể bạn quan tâm