Thời sự - Bình luận

Lừa đảo qua mạng-lời cảnh báo chưa bao giờ thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thống kê cho thấy, bình quân cứ 220 người Việt Nam dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo trực tuyến. 18.900 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ mà các đối tượng lừa đảo đã cướp đi của người Việt Nam trong năm 2024.
Ảnh: Internet

Các hình thức lừa đảo của các đối tượng rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất trong năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các sàn đầu tư tài chính giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức và lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn; giả mạo người của các cơ quan pháp luật để đe dọa người dân chuyển tiền… Trong đó, hơn 70,7% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao.

Tình trạng lừa đảo đầu tư qua mạng xuất hiện từ nhiều năm trước và ngày càng tinh vi, số tiền chiếm đoạt cũng nhiều hơn. Bằng những lời mời chào ấn tượng và hấp dẫn như: “Trở thành triệu phú ngay cả khi đang ngủ”, “Kiếm trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay”… cùng những câu chuyện được vẽ ra từ các diễn giả tự xưng là “bậc thầy”, “chuyên gia”, “đại sư”... trong lĩnh vực làm giàu đã khiến cho không ít người cảm thấy cơ hội đổi đời như đang mở ra trước mắt.

Nhiều người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí là nhiều tỷ đồng đầu tư tài chính ảo để rồi phải mang nợ vào người bởi chính tham vọng làm giàu mù quáng của mình.

Có thể kể như vụ Nguyễn Quang Hoàng-Tổng Giám đốc Công ty Tài chính GFDI tại Đà Nẵng và một số đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.700 tỷ đồng của 7.541 khách hàng vừa bị khởi tố cuối tháng 11. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, Công an Hà Nội lại triệt phá đường dây lừa đảo trên mạng quy mô đặc biệt lớn với tổng giá trị tiền và tang vật thu giữ hơn 5.200 tỷ đồng do Phó Đức Nam (30 tuổi, biệt danh Mr Pips), một nhân vật nổi bật trên TikTok và YouTube cầm đầu.

Núp dưới danh nghĩa công ty hoạt động về lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán, các đối tượng đã thành lập 44 văn phòng trên cả nước. Riêng Hà Nội có hơn 1.900 nhân viên là quản lý và kinh doanh hoạt động chuyên nghiệp. Với hệ thống chân rết hoạt động như bán hàng đa cấp nên mặc cho truyền thông tuyên truyền, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo thì danh sách nạn nhân vẫn tiếp tục nối dài.

Chỉ đến khi những khoản nợ khổng lồ đè nặng lên vai, nhiều người mới giật mình tỉnh ngộ rằng chính họ đang giúp cho những “bậc thầy”, những tiến sĩ rởm giàu lên chứ không phải đang biến ước mơ làm giàu của mình trở thành hiện thực. Dính bẫy lừa của Nam, người mang nợ đầm đìa, kẻ phải tán gia bại sản.

Còn nhớ, cách đây vài năm, vụ án lừa đảo của Phạm Thanh Hải, một người từng “nổi tiếng” trên mạng xã hội trong vai “tiến sĩ”, diễn giả của dự án “học làm giàu siêu tốc” đã khiến dư luận dậy sóng. Với “bánh vẽ” làm giàu từ trồng cây mắc ca “tỷ đô”, Phạm Thanh Hải đã lừa đảo hơn 2.700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư thiếu hiểu biết và tham lãi suất cao, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn…

Mong muốn làm giàu, đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân. Góp vốn vào bất kỳ ngành nghề hoặc lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, trước khi đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng để đưa ra quyết định khôn ngoan, bởi miếng phô mai miễn phí chỉ có trên bẫy chuột mà thôi!

Có thể bạn quan tâm