Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan đến thủ tục ly hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- *Bạn đọc H.V.A. hỏi: Trước đây, tôi có nộp đơn ly hôn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xử bác đơn không cho ly hôn. Sau đó, tôi kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bằng bản án phúc thẩm ngày 29-9-2023, không chấp nhận đơn kháng cáo của tôi và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do vợ tôi không lo làm ăn, mải mê chơi cờ bạc, phá tán tài sản của gia đình nên tôi tiếp tục nộp đơn ly hôn. Tòa án đã ban hành thông báo trả lại đơn khởi kiện vào ngày 13-10-2023 với lý do tôi không có quyền khởi kiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án còn áp dụng điểm c Mục 10 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “…thì sau 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Tòa án giải quyết việc xin ly hôn”. Việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện của tôi có đúng quy định pháp luật không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Việc Tòa án trả lại đơn với lý do bạn không có quyền khởi kiện và áp dụng các quy định của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP là không phù hợp vì:

Căn cứ theo khoản 2, khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn luật này đã hết hiệu lực nên Tòa án không thể áp dụng quy định của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP được.

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“1. Vợ, chồng hoặc cả 2 người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, theo quy định trên cũng như dự thảo Nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình không có quy định nào hướng dẫn về hạn chế quyền ly hôn trong trường hợp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, xét xử không chấp nhận yêu cầu ly hôn của đương sự.

Điều này chứng minh rằng quy định hạn chế quyền ly hôn của đương sự trong trường hợp này đã không còn phù hợp. Do đó, việc trả lại đơn nêu trên của Tòa án là chưa phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã hết thời hạn khiếu nại theo quy định nên bạn có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.

Trường hợp khi bạn nộp lại đơn khởi kiện mà Tòa án vẫn trả đơn thì theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bạn có quyền khiếu nại với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Nếu Tòa án này vẫn giữ nguyên thông báo trả lại đơn khởi kiện thì bạn có quyền khiếu nại tiếp đến Tòa án cấp trên trực tiếp.

Có thể bạn quan tâm