*Bạn đọc M.H.N.T. (huyện Phú Thiện) hỏi:Tôi và chồng là anh Đ.V.H. có 2 con chung 6 tuổi và 4 tuổi. Chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn, anh H. đồng ý cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng 2 con và sẽ cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng cho con. Luật sư cho tôi hỏi pháp luật quy định mức cấp dưỡng nuôi con như thế nào?
Ảnh minh họa |
- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:
Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu”.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Cụ thể, tại Điều 82 quy định như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Vì vậy, anh H. có nghĩa vụ cấp dưỡng khi không trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về mức cấp dưỡng thì theo khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.
Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận được thì khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, tòa án phải căn cứ vào 2 yếu tố: thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật giải quyết vụ việc hôn nhân gia đình, tại khoản 2 Điều 7 hướng dẫn về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: “Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con”.
Như vậy, nếu bạn và anh H. không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định căn cứ khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của 2 con nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú.