Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về thủ tục ly hôn với người bị tạm giam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- * Bạn đọc Q.P.T. (huyện Đức Cơ) hỏi: Chồng tôi đang bị tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy tôi muốn ly hôn với chồng tôi có được không và thủ tục như thế nào?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định:

- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn.

- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của luật này thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Trường hợp của chị muốn ly hôn đơn phương khi chồng đang bị tạm giam để điều tra thì theo quy định của pháp luật vẫn cho phép ly hôn nếu hòa giải không thành và có những căn cứ như: có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Theo quy định tại Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ là tòa án có thẩm quyền giải quyết nếu các bên không có thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú của nguyên đơn.

Căn cứ vào những quy định trên, chị cần làm đơn gửi tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết là: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng chị cư trú trước khi bị bắt tạm giam.

Do chồng chị đang bị tạm giam nên tòa án có thẩm quyền thụ lý sẽ ủy thác tư pháp cho tòa án tại địa phương nơi chồng chị đang bị tạm giam để lấy lời khai, ý kiến của chồng chị theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, tòa án cũng sẽ xét xử vắng mặt chồng chị vì đang tạm giam.

Chị làm đơn khởi kiện ly hôn theo mẫu 23 Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-1-2017, trường hợp này không cần chữ ký của người chồng; kèm theo bản sao căn cước công dân của chị; bản gốc giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh của các con chị (nếu có); các giấy tờ liên quan đến việc tạm giam của chồng chị như: quyết định tạm giam, quyết định khởi tố bị can… gửi tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Có thể bạn quan tâm