Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lương tâm, trách nhiệm và lòng trắc ẩn của người cầm bút

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dõi theo hành trình 30 năm làm báo của Đại Dương (Báo Tiền Phong), độc giả thân tín có thể nhận ra đó là một cây bút có lương tâm, trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn. Cuốn sách “Bật gốc” vừa xuất bản của anh thêm một lần xác tín điều đó.

Cuốn sách “Bật gốc” gồm 99 bài được chọn lọc từ hàng trăm bài viết của nhà báo Đại Dương ở chuyên mục bình luận “Chuyện hôm nay” trên báo in Tiền Phong trong 4 năm (2020-2023). Và đúng như tinh thần chuyên mục, đọc hết “Bật gốc”, độc giả có dịp nhìn lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong đời sống xã hội đất nước ta suốt 4 năm qua dưới lăng kính của nhà báo Đại Dương.

Một vấn đề nổi bật được nhà báo Đại Dương tâm huyết trở đi trở lại nhiều lần trong các bài viết khác nhau là cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng khởi xướng, lãnh đạo. Trong những bài viết đó, anh dẫn ra những sự kiện mà ai cũng biết như vụ kit test Việt Á, vụ Công ty AIC, vụ án môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm...

Nhưng cái làm nên sự độc đáo, khác biệt và giá trị trong các bài viết của Đại Dương là khả năng xâu chuỗi vấn đề, là cái nhìn xuyên thấu bản chất sự kiện và cả những kiến giải, thông điệp đầy trách nhiệm mà anh đưa ra.

Nhà báo Đại Dương và cuốn sách “Bật gốc” của anh. Ảnh: Đ.D

Nhà báo Đại Dương và cuốn sách “Bật gốc” của anh. Ảnh: Đ.D

Như khi nhắc đến vụ án môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm, Đại Dương không nhìn nó như một vụ việc đơn lẻ, cá biệt mà theo anh, hối lộ đã trở thành “một thứ dịch bệnh lan tràn khắp nơi, khắp các lĩnh vực và tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Có khi là những phi vụ hối lộ ăn chia “tiền tấn”, có khi rả rích như chuột nhấm thóc nhưng hậu quả không hề kém nghiêm trọng”. Và anh khẳng định: “Không gì tàn phá đất nước nhanh bằng việc đưa và nhận hối lộ”.

Hay như viết về tham nhũng, nhà báo Đại Dương có cái nhìn độc đáo, thuyết phục khi gọi đó là một “hệ sinh thái”. Tức là tham nhũng tồn tại như một cơ thể sống được những kẻ đứng đầu thoái hóa biến chất tạo ra ngay trong chính bộ máy do mình lãnh đạo và được “hệ thống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và bọc lót, bao che cho nhau” để trục lợi, bòn rút người dân, doanh nghiệp.

Đại Dương cũng chỉ ra những hậu quả nặng nề mà tham nhũng gây ra, đó là nó khiến “những công bộc liêm chính, không chịu “bán mình cho quỷ”, thường sẽ bị chèn ép, vô hiệu hóa, thậm chí bị đánh bật khỏi bộ máy” hay “tham nhũng không chỉ khiến các nguồn lực bị cạn kiệt vì thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích, mà còn trì hoãn, kéo lùi sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị và bộ máy công quyền”.

Theo anh, “tham nhũng chỉ được triệt tiêu khi cơ chế phát sinh ra nó và “hệ sinh thái” tham nhũng được triệt tiêu tận gốc” và cần phải kiểm soát được quyền lực, “cần phải hình thành được đội ngũ công bộc thấm được “đạo làm quan” thời nay để hết mình phụng sự lý tưởng cách mạng và Nhân dân”.

Ngoài đề tài về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, “Bật gốc” còn có nhiều bài viết đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội như: chuyện tù mù giá điện, ùn tắc giao thông, chống ngập ở các đô thị, lỗ hổng của ngành logistics, ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công, chấn hưng văn hóa, bệnh thành tích trong giáo dục, bạo hành trẻ em...

Mỗi vấn đề đều được nhà báo Đại Dương nhìn nhận ở nhiều góc cạnh khác nhau, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đồng thời đưa ra những kiến giải đầy thuyết phục. Như khi viết về vấn đề chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh, anh đề xuất “giải pháp” đầy bất ngờ: “Muốn thành phố không chìm trong nước, điều trước nhất và quan trọng nhất là không được để trách nhiệm cá nhân, tập thể với những quyết sách sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng bị nhấn chìm”.

Hay khi bàn đến chuyện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất nguồn kinh phí 350.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, sau khi dẫn ra nhiều sai lầm, hạn chế, lãng phí của các chương trình, dự án từng triển khai trong lĩnh vực văn hóa, Đại Dương khẳng định: “Chấn hưng văn hóa là bằng từng hành động nhỏ, rất cụ thể và thiết thực, chứ không phải bằng những dự án hay chương trình nghìn tỷ, rầm rộ”.

Không chỉ đề cập đến những vấn đề vĩ mô của đất nước, Đại Dương còn dành rất nhiều bài viết cho những câu chuyện đang diễn ra trong đời sống hàng ngày, gắn bó thiết thân với cuộc sống của bao người. Đó là chuyện “tín dụng đen” bủa vây người lao động nghèo (Khế ước trả bằng mạng sống); là khuôn mặt thất thần, đôi mắt đỏ hoe của những phận nghèo khi đồng tiền khó nhọc ky cóp bao lâu bỗng biến mất khi chủ hụi bỏ trốn (Nước mắt từ hụi); là hoàn cảnh đau đớn của những người lao động trong đại dịch Covid-19 vì thiếu tấm lưới an sinh xã hội, họ không chỉ bị bật khỏi các nhà máy, xí nghiệp mà còn bị bật gốc khỏi mảnh đất, quê hương xứ sở của mình (Bật gốc)...

Những bài bình luận người thật, việc thật với cái nhìn cảm thông, chia sẻ, giàu lòng trắc ẩn của Đại Dương không chỉ chạm đến tâm can bạn đọc mà còn là câu hỏi nhức nhối, xoáy sâu buộc những nhà quản lý phải trả lời, tìm giải pháp để bao phận người không tiếp tục rơi vào cảnh khốn cùng, quẫn bách.

“Bật gốc” khép lại bằng những dòng tự sự của nhà báo Đại Dương in trên bìa 4: “30 năm cầm bút, dù đã viết không biết bao nhiêu bài báo, cùng sẻ chia với biết bao phận người nhưng tôi vẫn luôn thấy không bao giờ đủ, thậm chí quá ít ỏi so với những gì mình mong muốn hay cuộc đời mong đợi. Tôi tự thấy mình còn rất nhiều món nợ với nhân gian...”. Anh gọi đó là món nợ “của những người cầm bút có lương tâm, trách nhiệm và lòng trắc ẩn”.

Nhưng không chỉ tôi mà nhiều độc giả tin rằng, với “Bật gốc”, nhà báo Đại Dương đã trả nợ xứng đáng cho đời, cho người và cho cả cái danh xưng nghề nghiệp cao quý mà anh khoác trên mình.

Có thể bạn quan tâm