Đô thị

Nhịp sống Đô thị

"Luồng xanh": Khơi thông dòng chảy hàng hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong bối cảnh vận tải hàng hóa thiết yếu bị tắc nghẽn, hành trình vận chuyển bị chậm lại do phải trải qua nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 thì “luồng xanh” vận tải đang dần giúp khơi thông “mạch máu” quan trọng này.

“Luồng xanh” vận tải là tuyến đường ưu tiên phục vụ xe chở hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi, thông suốt tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các phương tiện đi trên “luồng xanh” được cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code để nhận biết đối tượng ưu tiên.

Khơi thông mạch vận tải hàng thiết yếu

Ngày 17-7 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Công văn số 4972/TCĐBVN-ATGT về việc cập nhật, công bố “luồng xanh” quốc gia lưu thông trên quốc lộ; các chốt kiểm soát phương tiện vận tải trong thực hiện phòng-chống dịch Covid-19. Ngay ngày hôm sau, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng “luồng xanh” vận tải.

 Công ty TNHH dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai đăng ký 3 phương tiện được hoạt động trên “luồng xanh” đưa hàng hóa vào TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Hòa
Công ty TNHH dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai đăng ký 3 phương tiện được hoạt động trên “luồng xanh” đưa hàng hóa vào TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Hòa


Tại Gia Lai, ngày 19-7, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã có hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, thời gian thực hiện, thủ tục đăng ký cấp và sử dụng thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code, trách nhiệm của đơn vị được cấp thẻ nhận diện… Đến ngày 21-7, Sở GT-VT có văn bản công bố hành trình lưu thông “luồng xanh” quốc gia đi qua địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng-chống dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT-cho biết: Việc xây dựng “luồng xanh” vận tải đi đến các địa phương trong thời gian thực hiện phong tỏa, giãn cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia là việc làm hết sức cần thiết, kịp thời nhằm đảm bảo vận chuyển, cung ứng nhân lực, hàng hóa thiết yếu cho lực lượng phòng-chống dịch và người dân các vùng này.

Tương tự, ông Lê Minh Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-chia sẻ: “Khi chưa có “luồng xanh”, để đưa được một chuyến hàng từ Gia Lai vào TP. Hồ Chí Minh mất rất nhiều thời gian hơn bình thường bởi xe liên tục phải trải qua nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 giữa các tỉnh, thành. Lương thực, thực phẩm tươi sống… vận chuyển lâu sẽ hư hỏng. Việc xây dựng “luồng xanh” vận tải đã góp phần tháo gỡ phần lớn các bất cập này”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc Điều hành Công ty TNHH dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-đánh giá: “Khi có “luồng xanh” vận tải, chúng tôi rất mừng vì đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hóa đi đến các vùng giãn cách, phong tỏa. Thử tưởng tượng vùng đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh nếu 2-3 ngày không có sự luân chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào đó thông suốt, kịp thời thì sẽ khó khăn cỡ nào”.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Lê Văn Hạnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ GT-VT về công tác xây dựng và tổ chức “luồng xanh” vận tải cũng như đáp ứng nhu cầu bức thiết từ thực tiễn, Sở GT-VT yêu cầu bộ phận giải quyết thủ tục hồ sơ thường trực 24/24 giờ cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code được lưu thông trên “luồng xanh” cho các phương tiện thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục đăng ký để được cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QR Code để các đơn vị vận tải hàng hóa nắm và thực hiện.

Quốc lộ 19 là một trong những tuyến thuộc hệ thống
Quốc lộ 19 là một trong những tuyến thuộc hệ thống "luồng xanh" quốc gia. Ảnh: Lê Hòa


Theo thống kê của Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện có 351 đơn vị vận tải hàng hóa với 2.908 phương tiện đăng ký hoạt động. Từ ngày 19-7 đến 28-7, Sở GT-VT đã cấp 115 thẻ nhận diện cho các phương tiện đủ điều kiện lưu thông trên “luồng xanh” vận tải. Các xe này chủ yếu đi các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nội...

Ông Đặng Văn Hiền chia sẻ: “Vừa qua, doanh nghiệp có 3 phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code. Từ khi xây dựng “luồng xanh” và cấp thẻ nhận diện, việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực TP. Hồ Chí Minh đã thuận tiện hơn rất nhiều”.

Thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode phía hai bên xe để tăng khả năng nhận diện, quan sát. Ảnh Lê Hòa.jpg
Thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode phía 2 bên xe để tăng khả năng nhận diện, quan sát. Ảnh: Lê Hòa


Theo bà Đào Thị Yến Nhi-chuyên viên Phòng Tài chính-Kế hoạch-Vận tải (Sở GT-VT), qua công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như các doanh nghiệp chưa xác định và hiểu đúng về mặt hàng thiết yếu khi đề nghị cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” khiến việc xem xét, giải quyết cấp thẻ mất nhiều thời gian hơn… “Tuy nhiên, vì là nội dung mới nên Sở và các đơn vị cùng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoạt động “luồng xanh” vận tải được thuận lợi nhất”-bà Nhi bày tỏ.

Cũng theo hướng dẫn này, doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo hàng hóa thiết yếu. Để kiểm soát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải phải lưu lại đầy đủ giấy đề nghị, phiếu xét nghiệm của lái xe, các tài liệu liên quan đến công tác phòng-chống dịch Covid-19 để phục vụ hậu kiểm. Trong quá trình vận chuyển, lực lượng chức năng có thể theo dõi, kiểm tra đột xuất bất cứ trường hợp nào, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

 

 

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm