Lý do người Việt Nam ăn thuộc dạng mặn nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy người Việt Nam ăn mặn gần gấp đôi lượng muối cần thiết và là một trong nước ăn mặn nhất trên thế giới. Vì sao người Việt lại có thói quen này?
Người Việt có thói quen nêm gia vị khi nấu và chấm khi ăn. Ảnh minh họa
Người Việt có thói quen nêm gia vị khi nấu và chấm khi ăn. Ảnh minh họa
Những con số WHO đưa ra cho thấy trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối mỗi ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là 5g muối một ngày. Một phần nguyên nhân đến từ thói quen ăn uống. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam rất phong phú về các loại gia vị, từ mắm, muối, hạt nêm, bột canh, mắm nêm, mắm tép…
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.
Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được WHO khuyến cáo dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối. 
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn.
Mặc dù ăn mặn là thói quen từ xưa đến nay, nhưng thói quen đó lại không hề có lợi, nó gây ra hàng loạt các mối nguy cơ cho sức khỏe.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam cho biết ăn quá 5g muối mỗi ngày sẽ làm tăng trương lực thành mạch, ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp. 
Theo ông Hùng, ăn nhiều muối làm tăng tỉ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não.
Những người có thói quen ăn thừa muối cần điều chỉnh ngay lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, tuy nhiên không nên giảm đột ngột, cần điều chỉnh từ từ, tránh tạo cảm giác món ăn nhạt nhẽo, mất ngon.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị tăng huyết áp chưa được chẩn đoán gần 57%, đái tháo đường 70%, hơn 86% người bị tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh. Để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường, Chính phủ phát động "Chương trình Sức khỏe Việt Nam" với 11 giải pháp, trong đó có dinh dưỡng hợp lý. Người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm.  
Theo T.LINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm