Thời sự - Bình luận

"Ma men" gây tai nạn giao thông: Quan ngại!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi dư luận còn đang xôn xao, bàng hoàng trước vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng tối 25-10 khiến 4 người thương vong tại ngã tư Lê Thánh Tôn-Lý Thái Tổ-Hùng Vương-Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) thì tối 28-10, tại ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại xảy ra một vụ va chạm giao thông mà người điều khiển ô tô có biểu hiện sử dụng rượu bia. Đáng chú ý, người vi phạm lại là một nữ thiếu tá Công an!
Chưa dừng lại ở đó, ngày 30-10, trên quốc lộ 25 (thuộc địa phận buôn Ka Tô, xã Chư Gu, huyện Krông Pa), một thanh niên điều khiển ô tô tông vào 2 người phụ nữ đang đi bộ cùng chiều khiến 1 người tử vong. Nguyên nhân cũng do người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ và vi phạm nồng độ cồn.
Khi liên tục tiếp nhận những thông tin kiểu này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người tỏ ra rất quan ngại. Bởi lẽ, theo họ, nếu điều khiển phương tiện ô tô mà “vô tư” sử dụng rượu bia như thế thì tính mạng của người đi đường sẽ ra sao và mục tiêu kiềm chế TNGT của tỉnh có thực hiện được không?
Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, song tình hình TNGT trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2022 (từ ngày 15-12-2021 đến 14-9-2022), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 253 vụ TNGT, làm chết 179 người và 209 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng 9,52% số vụ, tăng 7,83% số người chết và tăng 17,42% số người bị thương. Qua phân tích 180 vụ TNGT cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm 96,67%, trong đó, đi sai làn đường, phần đường chiếm 30%; không chú ý quan sát chiếm 32,22%; tránh vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định chiếm 16,67%; vi phạm tốc độ, khoảng cách an toàn chiếm 16,67%; sai quy trình, thao tác lái xe chiếm 1,11%; nguyên nhân khác chiếm 3,33%. Đặc biệt, số vụ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia chiếm 37,22% (67 vụ), tăng 346,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng, ngành chức năng đã lập biên bản 4.711 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt 3.107 trường hợp với số tiền 11,146 tỷ đồng, tước 2.587 giấy phép lái xe.
Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên triển khai chuyên đề về nồng độ cồn với việc lập các chốt kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do nhận thức pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là người điều khiển ô tô, xe máy còn rất hạn chế. Mặt khác là do tập quán ăn nhậu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn vẫn chưa thường xuyên, rộng khắp và kiên quyết nên nhiều người xem nhẹ quy định này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-cho rằng: Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT, các ngành, địa phương cần phải triển khai các biện pháp để ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cũng theo ông Dũng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhất là thời điểm từ 17 đến 19 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là hành vi điều hiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia.
Chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn đã có. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề này đã được triển khai rộng khắp. Vì vậy, mọi người hãy tự giác nói không với rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông! Bởi lẽ, việc vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể dẫn tới hành vi tội ác!
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm