Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Mái nhà chung" của văn nghệ sĩ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đối mặt với những khó khăn về công tác nhân sự nhưng Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai vẫn giữ vững vai trò là “mái nhà chung” khi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tích cực hỗ trợ hội viên các chuyên ngành sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.
Nhiều hoạt động thiết thực
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-cho biết: Hội hiện có 169 hội viên, hoạt động ở 6 chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn học, Mỹ thuật, Múa và Sân khấu biểu diễn, Văn nghệ dân gian.
Nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện được công chúng và giới văn nghệ sĩ trong khu vực đánh giá cao như: Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (1/8/1988-1/8/2018); Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên năm 2019; chấm giải thưởng mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên năm 2020 (vì tình hình dịch Covid-19 nên Ban tổ chức quyết định không triển lãm mà chuyển sang chấm giải thưởng); Triển lãm mỹ thuật Gia Lai-Kon Tum năm 2020…
Hàng năm, vào các ngày lễ lớn, Hội thường xuyên tổ chức những chương trình thơ nhạc ý nghĩa như: “Giai điệu tháng 4”, “Bài ca đất nước”, “Tháng 5 nhớ Bác”, “Uống nước nhớ nguồn”… Dịp Nguyên tiêu, Hội đều tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở một số địa phương trong tỉnh với các chủ đề: “Tưng bừng xuân Tổ quốc”, “Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước”, “Hướng về biển đảo quê hương”... và phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh giới thiệu tác giả-tác phẩm, trao đổi các vấn đề về văn học nghệ thuật. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Hội đã linh hoạt chuyển hình thức tổ chức các chương trình thơ nhạc, giới thiệu tác giả-tác phẩm từ trực tiếp sang thu âm, ghi hình và phát trên trang Facebook của Hội nhằm đảm bảo an toàn trong phòng-chống dịch, được đông đảo hội viên hưởng ứng và công chúng đón nhận.
Thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật được đăng tải, Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai đã góp phần làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; cung cấp cho bạn đọc những món ăn tinh thần bổ ích; phát hiện, bồi dưỡng các gương mặt trẻ… Từ đây, không ít tác giả đã dần định hình phong cách và trở nên quen thuộc đối với công chúng như: Hoàng Thanh Hương, miên di, Ngô Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Kim Sơn, Lữ Hồng (Văn học), Nguyễn Văn Chung, Mai Quý Ngọc, Nguyễn Văn Vinh (Mỹ thuật), Bảo Vy (Nhiếp ảnh), Thảo Nam Giang, Phi Ưng (Âm nhạc)… Nhiều tác giả trong số này thường xuyên có tác phẩm đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành uy tín; được trao giải thưởng tại các cuộc triển lãm khu vực và cuộc thi trong và ngoài tỉnh.
Chương trình giao lưu, trò chuyện cùng những gương mặt nổi bật của chuyên ngành Mỹ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức đầu tháng 1-2022. Ảnh: Nguyễn Minh Tuấn
Chương trình giao lưu, trò chuyện cùng những gương mặt nổi bật của chuyên ngành Mỹ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức đầu tháng 1-2022. Ảnh: Nguyễn Minh Tuấn
Bên cạnh đó, hàng năm, Hội đều tổ chức 2-3 đợt thực tế sáng tác ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện để một số tác giả tiêu biểu đi tham quan, học tập tại một số tỉnh như: Khánh Hòa, Phú Yên. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức tốt việc mở trại sáng tác tại Đại Lải, Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Vũng Tàu. Trung bình mỗi trại có 15 tác giả, tập trung sáng tác trong 15 ngày. Đây là cơ hội để các văn nghệ sĩ giao lưu, sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch phụ trách Hội, thời gian qua, 6 chuyên ngành cũng đã có những bước tiến dài về số lượng lẫn chất lượng hội viên, tác phẩm. Chuyên ngành Văn học tập hợp đông hội viên nhất (60/169), có thuận lợi là tác phẩm dễ đến với công chúng bằng nhiều hình thức: công bố trên các báo, tạp chí, tuyển tập và trong các cuộc giao lưu, chương trình thơ nhạc trên truyền hình. Trong 8 năm qua, lực lượng hội viên mới kết nạp như: Hà Công Trường, Lữ Hồng, Phan Thị Chín, Mai Hương, Minh Hạnh, Thuận Ánh… đã thể hiện rõ nhiệt huyết trong lao động sáng tạo, góp phần làm sôi động, tươi mới thêm đời sống văn học tỉnh nhà. Khá nhiều tác giả hoạt động sôi nổi, có tác phẩm được công bố thường xuyên như: Phạm Đức Long, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thanh Vân, Đào An Duyên, Nguyễn Tiến Lập, Lê Vi Thủy, Lan Hương, Kim Sơn... Có tác giả vẫn theo đuổi thể loại tiểu thuyết như Thu Loan.
Chuyên ngành Nhiếp ảnh luôn được Hội quan tâm, tổ chức đi thực tế sáng tác ở các địa phương trong tỉnh như: An Khê, Kbang, Kông Chro… Sau mỗi chuyến đi thực tế, các tác giả đều có tác phẩm tham gia triển lãm và đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi trong và ngoài nước, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Chuyên ngành Mỹ thuật cũng tham gia đều đặn các cuộc triển lãm khu vực, nhiều tác giả năm nào cũng có tác phẩm được chọn triển lãm và đạt giải như: Lê Hùng, Hồ Thị Xuân Thu, Trần Quang Lực, Nguyễn Văn Chung, Mai Quý Ngọc, Nguyễn Văn Vinh, Lê Nguyễn Thảo My…
Chuyên ngành Âm nhạc có phần trầm lắng hơn do số lượng tác phẩm được công bố khá ít. Tuy vậy, hội viên chuyên ngành này cũng đã đóng góp lớn cho phong trào văn nghệ quần chúng, tiêu biểu là các tác giả: Lê Xuân Hoan, Ngọc Tường, H’Mai, Thảo Nam Giang, Phi Ưng… Đáng chú ý, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã hoàn thành xuất sắc công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với đề tài: “Tìm hiểu thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai”. Từ đề tài nghiên cứu này, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ra mắt 2 cuốn sách: “Dân ca Jrai” (tập 2) và “Thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai”.
So với các chuyên ngành khác, chuyên ngành Múa và Sân khấu biểu diễn có nhiều hội viên cao tuổi nhất, song đội ngũ này vẫn phát huy được vai trò “cánh chim đầu đàn”, gồm Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, nghệ sĩ Siu Phích, Y Tư, Vằn Cắm Làn... Bên cạnh đó là lứa nghệ sĩ kế cận năng động và sáng tạo, vừa biết khai thác, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống vừa tiếp thu những giá trị nghệ thuật tiên tiến, đương đại. Có thể kể đến những cái tên như Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng... Ở chuyên ngành Văn nghệ dân gian, một số cá nhân âm thầm thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu bản sắc văn hóa dân gian Gia Lai trên các báo, tạp chí như: Thạc sĩ Y Phương, Thạc sĩ Nay Kỳ Hiệp, họa sĩ Trần Quang Lực… 
“Giao quyền” cho lớp văn nghệ sĩ trẻ
Sau nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị, sáng 24-3, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI (nhiệm kỳ 2019-2024). Nói về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng chia sẻ: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là sự phấn đấu của toàn thể hội viên, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ cũng như sự sáng tạo của mỗi cá nhân, từ đó cống hiến nhiều hơn nữa những tác phẩm chất lượng, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp. Mặt khác phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết trong đội ngũ văn nghệ sĩ; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ, phát triển hội viên mới có chất lượng…
Trước thềm Đại hội, câu chuyện đảm bảo tính kế thừa cũng được các văn nghệ sĩ chia sẻ hết sức chân tình, sâu sắc. Họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai-nhấn mạnh: “Lứa chúng tôi không còn trẻ nữa. Do vậy, chúng tôi bắt đầu “ngắm nghía” các bạn trẻ để “giao quyền” cho họ. Đó là quy luật tất yếu của xã hội. Chúng tôi bảo với các bạn ấy rằng hãy cứ thế mà làm, các bạn tới đâu thì chúng tôi sẽ theo tới đó. Đồng hành với các bạn, chúng tôi được trẻ hóa. Sự trưởng thành của các bạn chính là niềm khích lệ rất lớn để chúng tôi dù già đi nhưng không cảm thấy mệt mỏi. Đó là một hình thức truyền lửa. Hiện nay, các bạn trẻ trong lĩnh vực mỹ thuật đang rất sung sức và có những góc nhìn rất mới, khiến chúng tôi luôn tự hào về họ”.
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Gia Lai tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) năm 2021. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Gia Lai tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) năm 2021. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm cũng không ngần ngại bày tỏ rằng, bản thân ông luôn tin tưởng vào lớp nghệ sĩ kế tục. “Hiện nay, không ít bạn trẻ được đào tạo bài bản và cũng đã trải qua nhiều năm tháng gắn bó với nghệ thuật. Lứa nghệ sĩ này đang tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực múa dân gian các dân tộc, khiến chúng tôi cảm thấy rất yên tâm về tính kế thừa”-Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm khẳng định. 
Là một gương mặt trẻ được yêu mến thời gian gần đây, tác giả Nguyễn Lữ Thu Hồng bộc bạch: “Chính thức trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai từ năm 2018, tôi luôn nhận được sự đồng hành, quan tâm của lãnh đạo Hội. Những lần tham gia sinh hoạt với Hội là dịp để chúng tôi kết nối và chia sẻ với nhau niềm đam mê nghệ thuật. Đặc biệt, những cây bút gạo cội với quá trình lao động miệt mài và nghiêm túc cũng chính là cảm hứng để một tác giả trẻ như tôi tiếp tục cố gắng phát huy nội lực. Thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực tìm tòi, học hỏi để góp thêm một tiếng nói dù là nhỏ bé thôi trên hành trình khơi gợi cái đẹp, hoặc chí ít cũng mang đến cho độc giả một vài cảm xúc tích cực”.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã vinh dự 2 lần được nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước” của UBND tỉnh. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Hội cũng đã được UBND tỉnh trao tặng cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” cùng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 3 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm