Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mai quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi không sinh ra ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận nhưng đã 40 năm sống ở đó. Cứ Tết nào không về được quê, thế nào tôi cũng lên xe dọc ngang trên các con đường vàng sắc mai của vùng núi này cho lòng vơi bớt vấn vương.

Ở vùng này, nhà nào cũng có cây mai trồng trước sân, giản dị, đơn giản như một lẽ tự nhiên trong đời sống. Cứ khoảng 14-15 tháng chạp, không khí Tết đã bừng lên ở vùng quê này. Lúc đó, nhà này ới gọi nhà kia nhắc con cháu lặt lá, cắt cành chờ ngày mai nảy nụ. Cũng có năm mai nở không đúng hẹn. Nhưng nở sớm hay muộn một vài hôm cũng không việc gì, vẫn cứ là Xuân, không phải băn khoăn gì như dân chơi mai chuyên nghiệp ở phố.

Với dân Đức Linh, mai vàng có cả một tiết Xuân. Chơi mai với cả "ba ngày tết, bảy ngày Xuân", có khi kéo ra cả Nguyên tiêu vẫn còn. Mai cứ thả sức nở, cứ bám vào đất mà rút mật ươm nụ, nảy bông. Dưới tán mai, những chiếc bàn thiên chưng đầy lễ vật gia chủ cúng năm mới, bày tỏ lòng thành với trời đất. Và cùng với triết lý giản đơn như thế, cây mai vàng sinh sôi nảy nở gắn bó với nơi này. Có những "lão mai" cả trăm năm tuổi. Cũng có khi vì khó khăn mà nhà nào đấy đành lòng bán cây mai trước sân nhà. Ngày người ta mang cẩu đến chở mai đi, xóm giềng nhiều người kéo đến chia tay trong cảm xúc bùi ngùi, ly biệt.


 

Lặt lá cho một “cụ” mai chuẩn bị đón Tết
Lặt lá cho một “cụ” mai chuẩn bị đón Tết


Mai quê! Tôi gọi mai vàng ở Đức Linh như thế. Mai quê không kiểu cách và cũng không khó tính như những cây mai trồng chậu của người chơi sành điệu. Mai quê không chỉ đẹp ở một cành, một cây mà đẹp cả một trời sắc vàng nối dài theo đường làng, ngõ xóm. Cây nối cây, nhà nối nhà, cả một vùng rộng lớn, đủ để giữ vẻ tôn nghiêm của không gian thờ cúng, đủ hàm chứa niềm vui sống, sự tự tin của ấm no trù phú. Cứ thế, những lứa mai vàng nối tiếp nhau, gắn bó với mọi người và xứng đáng được xếp vào cây phong thủy của vùng đất này.

* * *

Võ Nguyên - bạn cùng nghề giáo với tôi ở tận huyện Bình Chánh, TP HCM - Tết năm kia đột ngột gọi điện: "Tôi dành dịp Tết về Đức Linh thăm ông, tiện thể du Xuân mấy ngày". Tôi hơi băn khoăn, cứ nghĩ xứ núi này có gì mà chơi. Nguyên đến thật.

Vừa đặt ba-lô xuống ghế nhà tôi, Nguyên vồn vã: "Lần này không phải là quay về chiến trường xưa mà tôi có chút việc phải nhờ đây". "Là chuyện gì?". Tôi hỏi, Nguyên tủm tỉm: "Mai! Mai vàng Đức Linh!". À ra thế. Tôi nhớ rồi, hắn rất mê mai, từ lâu đã kiên nhẫn sưu tầm rất nhiều giống mai các nơi về cái vườn nho nhỏ của hắn.

Nhưng quả thật, đến dạo đó tôi vẫn chưa biết giống mai ở Đức Linh thì có gì quý, có chăng là nó nhiều vô kể.

Cơm tối xong, Nguyên thủng thẳng: "Đức Linh không phải là địa phương duy nhất trồng mai, chơi mai. Nhưng không phải vô cớ mà giữa nhiều địa phương trồng mai như các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi của TP HCM; rồi Bình Định, Tiền Giang, Long An… mà mai Đức Linh vẫn được kể tên. Mai Đức Linh sức sống khỏe, bông to, cánh dày, chuẩn mai rừng thuần hóa. Mình về lần này là để chụp ảnh những cây mai đẹp, sưu tầm để chia sẻ cho bạn bè yêu hoa mai chơi, chứ giáo chức nghèo như bọn mình tiền đâu mà mua. Ai thảo thơm thì mình xin ít bo về làm giống ghép".

Hôm sau, tôi chở Nguyên đi với máy ảnh, giỏ xách, sổ tay. Nguyên còn lỉnh kỉnh mang theo cả giỏ lớn bánh, kẹo, thuốc lá và trà để mời người ta khi xin ngắm mai.

Nhà đầu tiên chúng tôi đến là ở xã Đức Hạnh. Chủ vắng nhà. Cây mai trước sân cao tầm 5 m, tán rộng chừng 6 m, gốc to lớn, cành phủ đầy búp, có lớp đã bong vỏ trấu. Nguyên như kẻ bị hớp hồn, ngây ra một lúc mới chụp ảnh. Nguyên nói cây mai này đẹp hơn cây mai ở Ông Đồn (Đồng Nai), năm ngoái có người trả 1,8 tỉ đồng mà chủ không có ý định bán nên ai hỏi mua là không tiếp. Nguyên tấm tắc khen gốc mai này lớn hiếm thấy, thân rút ngọn, chi phân đều, tán tròn đẹp, bông to. Loay hoay non buổi anh mới chịu để tôi đưa đến nhà khác.


 

 Một cội mai cổ ở Đức Linh
Một cội mai cổ ở Đức Linh


Địa chỉ thứ hai là ở thị trấn Đức Tài. Chủ nhà là một phụ nữ trung niên. Nghe chúng tôi nói đến xin xem cây mai trong sân nhà, chị cười: "Lại những ông mê mai quên vợ. Nói chơi thôi chứ nó đấy, các anh thích thì cứ thoải mái xem nhưng bán mua thì không nhé. Người TP HCM ra hỏi mua hoài, tôi phải hô giá trên trời để họ bỏ đi".

Loanh quanh hết chiều. Tối đó, tôi dẫn Nguyên đến nhà Viết Thanh, em của ca sĩ Tuấn Vũ nổi tiếng với điệu boléro. Một dạo, Thanh theo anh trai đi hát trong Nam ngoài Bắc, rồi vì mê cây mà quay lại quê nhà. Thanh tỉ mẩn và kiên trì. Cây trong vườn của Thanh nhiều loại "độc", lạ với những cái tên mang đậm chất võ lâm.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng thăm mấy cây sanh, cần thăng, ổi, khế… Khi đến giữa vườn, Thanh bật đèn sáng trưng, hồ hởi chỉ vào một "cụ" mai: "Đây là nhân vật chính. Đáng tiếc, tôi định đặt tên là Tinh hoa đất Việt. Nhưng vừa rồi ở ngoài Bắc đã có người lấy tên đó đặt cho một cây sanh nên giờ lại phải nghĩ cho được tên gì khác cho xứng. Cây mai này có đủ các yếu tố cổ - kỳ - mỹ, gốc lớn, tán rộng 10 m, cao 6 m, dáng tròn rẻ quạt theo cách chơi của Đài Loan".

Nguyên như kẻ say, xông vào giữa trận đồ rậm rạp của giàn giáo, cây sắt chống đỡ "cụ" mai. Những tăng đơ và dây cáp chằng chịt. Thanh tiếp: "Các anh xem, gốc nó xoắn, nu như một gốc sanh cổ, từ gốc lên thân, ngọn. Cành, chi phân chia đều, hợp lý. Nhìn cổ thụ như một cây đa làng Việt xưa".

Sau một hồi khom rồi bò sát tận gốc, xem thân, xem cành, Nguyên bước ra nắm chặt tay Thanh: Tuyệt. Số 1. Sau Tết, mình dẫn một nhóm anh em ra ngắm được không?". Thanh cười: "Yên tâm đi. Em không bán đâu".

"Xong rồi. Mời mấy anh" - vợ Thanh khệ nệ bê cả một mâm đồ ăn và chai rượu đặt giữa sảnh. "Mời hai anh. Lần đầu gặp, nhưng tôi rất vui vì có thêm bạn cùng sở thích. Làm một chút để chúc cho cuộc hội ngộ và cũng để đón năm mới" - Thanh xởi lởi.

 

Theo NLĐO

Có thể bạn quan tâm