Phóng sự - Ký sự

Mang con chữ lên Hang Hớt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đều đặn một tuần 3 buổi, bất kể thời tiết thế nào, những cán bộ đoàn, giáo viên địa phương tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vẫn cần mẫn ngược lên thôn Hang Hớt, xã Mê Linh để mang con chữ với hy vọng xóa mù cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây.

Cả nhà cùng đi học

Những ngày cuối mùa mưa, con đường dẫn từ UBND xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) lên thôn Hang Hớt vẫn ngập sình lầy. Để đi hết đoạn đường gần chục cây số, mỗi buổi lên lớp đối với giáo viên và cán bộ đoàn xã, đoàn huyện là một hành trình đầy cực nhọc.

 

Anh Ha Mak hướng dẫn bà con làm toán.
Anh Ha Mak hướng dẫn bà con làm toán.

Đang tất bật thu dọn dụng cụ hái cà phê để về nhà, bà Liêng Hót Ka Phương (43 tuổi, thôn Hang Hớt, xã Mê Linh) hồ hởi: “Về sớm lo cơm nước còn kịp đi học, hôm nay được lên nhà văn hóa học chữ”. Bà Ka Phương được cậu con trai là Liêng Hót Ha Thọ (học lớp 4) cùng lên lớp để kèm mẹ học chữ. “Mới đầu mẹ em không chịu đi học đâu vì xấu hổ nhưng vì thấy người lớn trong thôn đi cả nên mẹ mới chịu đi”, Ha Thọ cho biết. Trên lớp, cậu bé rất chịu khó hướng dẫn cho mẹ cách tính nhẩm những phép toán cơ bản qua những ngón tay, rồi phút chốc lại chạy qua những bàn khác chỉ cho những cô, chú lớn tuổi trong lớp.

Chị Ka Tuyn cùng chồng là anh Dương Thiệu cũng theo đuổi con chữ từ ngày đầu mở lớp, dù đang mang bầu tháng thứ 5 nhưng chị chưa bỏ buổi học nào. Chị Tuyn bộc bạch: “Mình phải cố học để khi sinh con lên trạm xá còn biết đọc tên con cho chuẩn làm giấy khai sinh, rồi sau còn làm được nhiều loại giấy tờ khác nữa”.

Có mặt tại nhà văn hóa từ sớm, anh Nguyễn Văn Linh, Bí thư Đoàn xã Mê Linh đang sắp xếp lại bàn ghế, chuẩn bị phấn và bảng đen cho từng người học. Anh Linh tâm sự: “Đang trong mùa hái cà phê nên mấy buổi gần đây lớp học lùi lại một chút chờ bà con đi làm về. Dù có bận rộn công việc nhưng bà con chịu khó lên lớp lắm, nhiều gia đình có hai đến ba người cùng đi học”.

Đến tối, các ngả đường dẫn về Nhà Văn hóa thôn Hang Hớt bỗng sôi nổi hẳn bởi tiếng cười nói của những bà con tới học chữ.

Quyết tâm xóa mù

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Cil ở thôn Hang Hớt do Huyện đoàn Lâm Hà phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Mê Linh tổ chức vào các tối thứ ba, tư, năm hàng tuần. Mỗi buổi học kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ là khoảng thời gian bà con được làm quen với từng nét chữ, điều mà trước kia chưa một lần trải qua trong đời. Với các giáo viên tại lớp học, dù dạy chữ được cho một người cũng đã mở ra cơ hội tiếp cận nhiều điều mới lạ. Mỗi người đến lớp là mỗi cơ hội được xóa mù chữ.

Anh Phan Tiến Dũng, Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà, cho biết: “Giáo viên của lớp là các cán bộ đoàn huyện, đoàn xã và cả giáo viên Trường Tiểu học, THCS xã Mê Linh. Mục đích của lớp học là giúp bà con có thể tự đọc, viết và tính toán được những phép tính cơ bản để đi làm giấy tờ trên xã, đi khám bệnh ở trạm y tế khi được phát thuốc còn biết sử dụng. Rồi xa hơn là làm kinh tế cho tốt. Sau khi mở lớp tại thôn Hang Hớt, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp tại vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn của huyện Lâm Hà”.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, ngay từ những ngày đầu, anh Liêng Hót Ha Mak, Bí thư Chi đoàn thôn Hang Hớt, đã tích cực đến từng nhà để vận động bà con tới lớp. “Thời gian đầu, nhiều người cho rằng họ đã biết nói rồi thì học thêm cái chữ làm được gì? Đi học vậy có được phát tiền, phát gạo không?”, Ha Mak tâm sự. Những cán bộ đoàn sau đó rất vất vả để giải thích cho bà con hiểu, khi biết đọc, biết viết đi ra ngoài sẽ biết được nhiều thứ. Lớp có 48 người đăng ký theo học, sự háo hức của bà con càng ngày càng tăng khi ngay từ sớm tiếng loa nhắc nhở mọi người đi học phát ra từ nhà văn hóa thôn.

“Các cô chú mới đầu làm quen với cục phấn, tấm bảng rất ngượng nghịu. Trên bảng, giáo viên vừa nắn nót viết từng chữ, số vừa giải thích với cả lớp cách viết làm sao cho đúng kích thước. Sau hơn hai tháng theo học ở lớp xóa mù chữ, những bàn tay thô cứng dần trở nên mềm mại, những cục phấn biết “nghe lời” hơn khi không thường xuyên rơi khỏi tay người viết”, chị Phạm Thúy Hằng, cán bộ Huyện đoàn Lâm Hà, chia sẻ.

Gần 9 giờ đêm, tan lớp, mọi người vui vẻ ra về. Riêng anh Liêng Hót Ha Mak vẫn suy tư vì trong buổi học hôm đó vắng mấy thành viên. “Ngày mai chúng tôi lại phải tới gia đình người học để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nghỉ học. Đưa người đến lớp vốn đã rất khó khăn nhưng giữ được bà con theo đuổi con chữ còn gian nan hơn nhiều lần”, Ha Mak nói.

Đoàn Kiên/sggp

Có thể bạn quan tâm