(GLO)- Rất nhiều người biết đến câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Ở vùng biển, cứ độ cuối xuân sang hạ là vào mùa cá chuồn. Chúng như từ đâu tập hợp lại thành từng đàn vùng vẫy trong biển cả, sinh sôi rất nhanh. Nếu ghe thuyền nhỏ mà đi đúng vào luồng cá chuồn di chuyển thì chúng sẽ bay lên đầy thuyền. Người ta còn ước tính, tốc độ bay trung bình của cá chuồn vào khoảng 50 km/giờ, bởi chúng có 2 chiếc vây khá dài. Cũng vào thời điểm này, khi những cơn mưa đầu mùa của Tây Nguyên trút xuống cũng là lúc những mầm măng le ủ mình từ trong lòng đất vươn lên. Măng le thuộc họ tre trúc, mọc thành lùm ở những nơi đất cằn cỗi hoặc dọc theo hai bên bờ những con sông, con suối.
Ngày còn trong căn cứ kháng chiến, anh chị em cán bộ, chiến sĩ chúng tôi coi măng le là một loại thực phẩm đặc biệt. Măng sau khi hái về có thể chế biến ngay bằng cách nấu với bất cứ loại rau rừng nào, nếu nấu với món bắp non và bí đỏ thì càng tuyệt; cũng có thể luộc làm chua, phơi khô để sử dụng dần. Măng le lành tính, dễ chế biến và nhiều chất xơ.
“Chị nuôi” Nguyễn Thị Hoa ở Huyện đội K8 (huyện An Khê cũ) của chúng tôi ngày trước rất giỏi hái măng le. Chị bảo, trong các loại măng le, măng đào là ngon nhất. Măng đào là mụt măng vừa mới nhú lên khỏi mặt đất, loại ấy đặc ruột, vị ngọt. Chị Hoa thường dùng dao nhọn đào măng thoăn thoắt, những cây măng đã lên cao chị không bẻ mà để dành để mùa sau nó lại cho măng.
Không biết mỗi năm có bao nhiêu măng le “gửi xuống” xứ Nẫu (Bình Định-N.V), nhưng thời trước giải phóng và cả thời đất nước chưa đổi mới, cá chuồn là nguồn thực phẩm được người xứ Nẫu gửi lên “nậu nguồn” quanh năm. Món cá chuồn tươi thì chỉ có vào khi vào mùa, từ khoảng tháng 4 đến hết tháng 7 hàng năm. Còn nhớ, mẹ tôi thường nấu cá chuồn với trái thơm thành món kho ngọt, cũng có khi nấu với lá giang thành món canh chua hảo hạng. Với mấy chàng dân nhậu nhà quê thì cá chuồn tươi nướng lên, tỏa mùi thơm phức làm hao rượu không ít. Còn một món ngon nữa là cá chuồn tươi kho với mít non (có lẽ vì thế nên còn có câu ca dao rằng: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”?).
Còn cá chuồn làm khô thì quanh năm đều có. Bà con dân tộc thiểu số “nậu nguồn” rất thích món cá chuồn khô. Cơm gạo dẻo từ lúa rẫy đầu mùa với món cá chuồn khô nướng trong mùa rừng già đang se se lạnh rất hao cơm. Với người già, nhâm nhi cá chuồn khô nướng sau vài can rượu cần lúc rỗi việc thì không gì bằng.
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày trước, khi còn công tác, tôi thường về các làng, nhiều khi ngủ lại với bà con vài ba đêm. Ngoài bánh kẹo cho các cháu nhỏ, món mà tôi hay mua đem theo là cá chuồn khô. Đêm xuống, ở nhà rông hay nhà của già làng, trưởng thôn, người làng có rượu cần, gà nướng, còn chúng tôi có... cá chuồn khô. Thế là quanh vài ché rượu cần, những câu chuyện tự đáy lòng của cả chủ lẫn khách cứ thế tuôn ra.
Ngày nay, đời sống vật chất của đại đa số bà con trong vùng căn cứ cũ, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện đáng kể, song khi có dịp về làng, tôi thấy món cá khô, nhất là cá chuồn vẫn là món ưa thích của bà con. Dù rằng, giá cá chuồn khô không hề nhẹ, tùy từng loại, có lúc lên đến vài trăm ngàn đồng một ký.
So với mấy mươi năm về trước, rừng le giờ đã ít dần đi. Một mặt do người dân khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, mặt khác giá măng le ngày một tăng dẫn đến việc khai thác theo kiểu tận thu. Giá măng le tươi đầu và cuối mùa có thể lên đến 50.000-60.000 đồng/kg, giá măng le khô thì gấp 3-4 lần như thế. Vì vậy, nguồn măng le ngày càng ít đi là điều dễ hiểu.
Có lần, người viết bài này khi còn công tác ở một huyện đã kiên quyết từ chối xuất ngân sách địa phương để mua một loại tre cho măng ngoại lai về cung cấp cho bà con nông dân trồng làm “kinh tế hàng hóa”. Gia Lai là xứ sở của các loài tre nứa, cho măng cực ngon, thân cây lại dùng được nhiều việc, nhất là đan lát thủ công; nếu không khuyến khích nông dân bảo tồn nguồn gen, phát triển và khai thác hiệu quả mà lại nhập khẩu những loại giống tre trúc ngoại lai là điều không thể chấp nhận.
Chúng tôi cho rằng, để có “măng le gửi xuống” rồi nhận “cá chuồn gửi lên” từ xứ Nẫu, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng với việc khai thác măng le cần bảo vệ, tạo điều kiện để cây le phát triển ở những nơi mà đất cằn, khó trồng trọt các loại cây khác. Và nhất thiết không khai thác măng theo cách tận diệt, chạy theo thị trường như tình trạng hiện nay. Kẻo rồi trong thời gian không xa nữa, cháu chắt của chúng ta chỉ hiểu biết về cây le, măng le qua... chuyện cổ tích!
BÍCH HÀ