Chính trị

Mang Yang xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, huyện Mang Yang quan tâm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đến nay, toàn huyện có 14.139 gia đình văn hóa; 76 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; 72 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu công sở văn hóa.
Lãnh đạo UBND xã Đak Yă trao giấy khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nhật

Lãnh đạo UBND xã Đak Yă trao giấy khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nhật

Theo bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đã chú trọng phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là gắn xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào thi đua yêu nước.

Một trong những giải pháp được quan tâm là chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Ông Võ Văn Sơn-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin-cho hay: “Huyện đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử địa điểm căn cứ cách mạng Huyện 6 tại làng Ktu (xã Kon Chiêng) và triển khai lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh “Nhà ở của họa sĩ Xu Man” tại xã Ayun. Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì khi địa phương còn lưu giữ gần 160 bộ chiêng. Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa huyện và nhà văn hóa tại các xã được củng cố”.

Cũng theo ông Sơn, huyện thường xuyên quan tâm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, duy trì việc sửa chữa và phục dựng một số nhà rông truyền thống, lễ hội tại các làng đồng bào DTTS. Các sự kiện văn hóa cồng chiêng, hội thi văn hóa-thể thao các DTTS được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua đó, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí nông thôn mới, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 16,33% và hộ cận nghèo 18,86%. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 làng nông thôn mới.

Sinh hoạt văn hóa truyền thống tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Ảnh: Thanh Nhật

Sinh hoạt văn hóa truyền thống tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Ảnh: Thanh Nhật

Xã Đê Ar là một trong những địa phương điển hình về xây dựng đời sống văn hóa. Bà Mru-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-thông tin: “Hội đã hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại các làng. Trong các buổi sinh hoạt, Câu lạc bộ đều lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, những tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giúp chị em nhận thức việc lấy vợ lấy chồng trước tuổi kết hôn do Nhà nước quy định là vi phạm pháp luật. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể”.

Theo bà Hồ Thị Minh Thư-Chủ tịch UBND xã Đak Ta Ley: Quá trình xây dựng đời sống văn hóa luôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xã đã tập trung các giải pháp trong công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn và tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất... để góp phần giảm nghèo.

Tại xã Kon Chiêng, phong trào cũng được cán bộ và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ông Hip-người có uy tín tại làng Klah tích cực phối hợp với cán bộ xã và Ban Công tác Mặt trận làng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ông bộc bạch: “Để hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải giúp bà con dân làng xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đồng thời, tôi cũng vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị để tăng thu nhập, giảm nghèo và nâng cao đời sống”.

Có thể bạn quan tâm