(GLO)- Sáng 15-12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (giai đoạn 2016-2021).
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Lê Tiến Châu-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hội nghị được kết nối với điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Gia Lai, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã và thành phố.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Phan Lài |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã báo cáo kết quả 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo. Kết quả, người dân trong cả nước đã tự nguyện hiến hơn 26,7 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Trong giai đoạn 2016-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được hơn 32 ngàn tỷ đồng; giúp đỡ xây mới và sửa chữa 228.221 căn nhà "Đại đoàn kết" cho người nghèo. Tính từ ngày 1-5-2021 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật ủng hộ công tác phòng-chống dịch Covid-19 qua hệ thống của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là hơn 12.510 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng hơn 40.600 mô hình bảo vệ môi trường. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp tổ chức được hơn 531.000 cuộc giám sát và phản biện xã hội…
Đại diện các tỉnh, thành trong cả nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cuộc vận động trong 5 năm qua như: hỗ trợ làm cầu, đường cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới; thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững; kinh nghiệm vận động bà con dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa… Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã chia sẻ kinh nghiệm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thông qua hình thức “cầm tay chỉ việc” và tổ chức tham quan các mô hình kinh tế nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cùng cấp rà soát trong đoàn viên, hội viên nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ kinh phí, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm; phát hành hơn 11.800 cuốn sổ tay tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” cho người dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện hiệu quả các mô hình: “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản”, “Hỗ trợ nuôi dê lai bách thảo”; “Hỗ trợ trồng cây bời lời” giúp người nghèo tại các địa phương. Thông qua thực hiện cuộc vận động, cùng với các chương trình, dự án, phong trào do chính quyền và các tổ chức đoàn thể phát động đã giúp 29.528 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo…
Thừa ủy quyền của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện cuộc vận động. Ảnh: Phan Lài |
Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng bằng khen cho 50 tập thể và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (giai đoạn 2016-2021). Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen cho 88 cá nhân, 11 tập thể có nhiều thành tích trong triển khai, thực hiện phong phong trào “Đoàn kết sáng tạo”. Tỉnh Gia Lai có 1 cá nhân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 1 cá nhân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen có nhiều thành tích trong triển khai, thực hiện phong phong trào “Đoàn kết sáng tạo”; 1 tập thể được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vì có thành tích trong bảo vệ môi trường, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Mỗi nội dung của cuộc vận động phải phù hợp với khả năng, tình hình thực tế của từng địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và nhu cầu của đời sống Nhân dân, tránh dàn trải, hình thức, chung chung. Xác định rõ vai trò làm chủ của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của cuộc vận động. Mỗi cộng đồng cần lựa chọn những mục tiêu, cách làm phù hợp với hoàn cảnh thực tế; tìm hiểu nhu cầu của Nhân dân để thu hút sự tham gia, tính tự giác, khơi dậy khí thế, sức sáng tạo mạnh mẽ của Nhân dân, tăng cường nội lực, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai hiệu quả cuộc vận động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của từng địa phương trong từng giai đoạn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; quan tâm biểu dương những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
PHAN LÀI