(GLO)- Tôi xin mượn đầu đề một bài thơ nổi tiếng, sau là tên tập thơ của nhà thơ Dương Hương Ly-“Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ” để viết về bạn tôi, nhà thơ Phạm Đức Long những ngày đầu đến Gia Lai lập nghiệp và bước vào nghiệp viết.
Hồi ấy, tôi đang là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum, trực thuộc Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum, ở căn phòng trong khu tập thể vốn là khu gia binh cũ trên đường Trần Hưng Đạo, giờ là cái... gốc nhãn gần bốt gác Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Chủ nhật, một người mặc áo mưa lụp xụp tới nhà tìm tôi, giới thiệu tên mình là Phạm Văn Long, kỹ sư nông nghiệp ngành thú y, mới lên nhận công tác ở Ty Nông nghiệp Gia Lai-Kon Tum, đang ở nhà khách của Ty cũng ở trên đường Trần Hưng Đạo (giờ là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai). Tất nhiên là pha trà mời. Hồi ấy, trà Bàu Cạn đang thịnh hành. Sáng chưa ăn gì mà chơi bình trà cũng... thổn thức lắm. Long hỏi tôi về Tạp chí, tôi bảo sao biết Tạp chí? Long bảo, em lên đây ở nhà khách đợi phân công công tác, chả biết làm gì, thấy có mấy cuốn tạp chí ai để ở đấy, bèn đọc. Cuộc chuyện đang có cơ rời rạc thì mặn hẳn lên. Chúng tôi nói chuyện văn chương, từ Nguyễn Du tới La Quán Trung, từ Nguyễn Công Trứ tới Lý Bạch, từ Khổng Tử tới Mạnh Tử và Lão Tử... và tôi ngạc nhiên, bởi một ông bác sĩ heo bò gà vịt mà đọc nhiều thế, hiểu nhiều thế. Tôi học văn ra nó đi một nhẽ, đằng này...
Nhà thơ Phạm Đức Long. Ảnh: Văn Công Hùng |
Rồi trước khi về, Long rụt rè lôi từ túi quần ra một cuốn vở học trò cuốn tròn, mực lem nhem vì mưa, đưa tôi nói, em mới làm mấy bài thơ, nhờ anh xem hộ. Tôi hồi ấy cũng chỉ mới mươi bài thơ đã đăng báo làm gia tài chứ cũng chưa phải là nhà nhiếc gì dù có làm thơ từ hồi sinh viên, à không, từ hồi học phổ thông, nên thấy Long vừa trang trọng vừa rụt rè cũng bèn... rụt rè lại.
Rồi tôi đọc, thấy có hơn tháng mà ông ấy làm hai chục bài thơ thì nể quá. Tất nhiên mới chỉ là thấy gì ghi nấy, như thấy em bé đập hạt Ki-a ăn thì làm bài thơ “Đập hạt Ki-a với em bé Tây Nguyên”. Sau này, tôi có hỏi hạt Ki-a là hạt gì, Long bảo thì em cứ viết thế. Rồi bài thơ về lớp học nào đấy trong rừng, tôi còn nhớ có sửa cho Long 2 câu cũng sến súa lắm “Bảng đen làm cánh cửa, mắt đen tròn ý thơ”. Cả 2 bài này tôi đăng ngay vào số Tạp chí sau đấy... và rồi từ đấy Long làm thơ như vũ bão, như dã quỳ gặp nắng, như bazan gặp mưa... Và hay dần lên.
Một cái Tết, hình như là năm 1985, mấy anh em làm thơ độc thân đến nhà tôi, khi ấy tôi vừa cưới vợ được 1 năm, đón Giao thừa. Nhà tôi khi ấy nó như cái câu lạc bộ văn nghệ sĩ, anh em trong tỉnh quây quần đã đành, các nơi tới cũng đều ghé lại. Cái nhà tập thể, căng rido 1/3 kê cái giường của vợ chồng tôi, một cái giá sách, một cái bàn vừa là bàn uống nước, tiếp khách vừa là bàn viết. Và dưới chân cái bàn ấy là nơi trải chiếu đón văn nhân cả nước ngủ lại.
Chúng tôi đón Giao thừa bằng rượu mía, xôi và pháo (hồi ấy còn được đốt pháo). Xong rồi Long đạp xe về nhà ở đường Nguyễn Du, sáng mai lại cọc cạch đạp sang nhà tôi và đưa tôi bài thơ “Khoảng trời lá thông” viết vào lúc khoảng 2-3 giờ sáng mùng 1 năm ấy, tôi đọc và run người. Thi sĩ đích thực đã xuất hiện. Long đã vượt qua cái sự thấy gì viết nấy, vượt qua sự nôm na để xuất thần ra ý, ra tứ, ra hình ảnh, mà hun hút và ám ảnh.
“...Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/Tôi có tuổi hai mươi ở đó/Có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/Có mùa xuân im lặng kéo qua đời. Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/Thương nhau giữ tròn lẽ sống/Giữa trắng đen hư thực thăng trầm”.
Sau đấy là bài “Hoa dong riềng” cũng đầy thi sĩ: “Đã qua lứa tuổi hai mươi/Bỗng gặp hoa dong riềng nở/Mùa thu vô tình đốt lửa/Giữa ngày mưa bụi trắng trời...”. Để giờ, Long là nhà thơ, tác giả của mười mấy đầu sách, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khác với bạn thơ cùng lứa là Hương Đình có thơ từ hồi đi học, Long lên đây mới bập vào nghề viết và thành danh. Do đó, gọi nơi đây là mảnh đất nuôi Long thành thi sĩ cũng hoàn toàn có lý, không ngoa.
Chuyện Phạm Đức Long cưới vợ cũng vui. Chúng tôi lo cho nhau từng ly từng tí, ăn gì, như thế nào, thuốc nước làm sao cho rẻ. Riêng việc hội trường và trang trí thì tôi, Hương Đình và Chử Anh Đào lo. Người trực tiếp cắt dán trang trí hội trường là Hương Đình và Chử Anh Đào khi này đang là cán bộ Ty Giáo dục và đám cưới thì mượn (hay thuê tôi không nhớ nữa) hội trường Ty Giáo dục. Tôi nhớ, chúng tôi bàn nhau, trên tường hội trường sẽ cắt tên các cặp đôi nổi tiếng trong lịch sử văn chương, như Romeo-Juliet, Kim Trọng-Thúy Kiều, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga, Quasimodo-Esmerald, Othello-Desdemona và Chí Phèo-Thị Nở. Khi tôi đưa danh sách thì cả 2 ông Chử Anh Đào và Hương Đình đều đồng ý chỉ hơi ngại cái cặp cuối cùng, bảo lỡ Long hiểu khác, bởi vợ nó ngành Y, khách đến chả hiểu ý lại nghĩ rằng tụi mình bảo vợ chồng nó là Phèo với Nở. Tôi bảo để tớ hỏi nó. Và lọc cọc đạp xe đi tìm ông Long để hỏi, Long cười ha hả, vô tư đi ạ.
Đám cưới đông, uống trà, ăn kẹo, hút thuốc, cắn hạt dưa mù mịt, chả thấy ai thắc mắc gì về các cặp đôi nổi tiếng chúng tôi cắt dán đầy trên vách hội trường kia.
Giờ vợ chồng Phạm Đức Long đều đã về hưu, các con đều đã phương trưởng, đã cho Long lên chức ông, và bộ ba ngày nào là Long, Hương Đình và tôi vẫn hay cà phê sáng với nhau, đều đang bám trụ ở Gia Lai. Số sau, tôi kể về Hương Đình, một mảng gần như đối lập với Long nhưng lại là cặp bài trùng của Văn nghệ Gia Lai gần nửa thế kỷ qua.
VĂN CÔNG HÙNG