Kinh tế

Giá cả thị trường

Mạnh tay xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm, dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, tình trạng kinh doanh buôn bán dược liệu diễn ra khá nhộn nhịp, không chỉ các cơ sở địa phương nhập về buôn bán mà còn có rất nhiều thương lái thuê nhà để thu gom rồi vận chuyển đi bán trong và ngoài nước. Những mặt hàng được ưa chuộng là nấm rừng, mật nhân, sa nhân… Việc thu gom ồ ạt không chỉ làm “chảy máu” tài nguyên rừng mà có nguy cơ “thêm bệnh” cho người sử dụng bởi nguồn gốc các loại dược liệu đa phần không rõ ràng.
Nhằm tăng cường kiểm soát thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tập trung vào các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai.
“Đột kích” cơ sở kinh doanh dược liệu
Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh kiểm tra thực phẩm, thực phẩm chức năng tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Dã Quỳ
Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh kiểm tra thực phẩm, thực phẩm chức năng tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Dã Quỳ
Trực tiếp theo chân Đội Quản lý thị trường (QLTT) lưu động (Chi cục QLTT tỉnh) vào cuối tháng 7-2018, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục bao nấm nằm ngổn ngang ngoài sân, không được bảo quản đúng cách, không có kệ pallet kê hàng… tại nhà số 40 Lê Thị Hồng Gấm (TP. Pleiku). Đi sâu vào trong nhà, chúng tôi thấy những đống nấm được đổ trực tiếp trên sàn nhà, để lẫn cùng đồ dùng sinh hoạt, mùi nấm ẩm mốc xộc vào mũi khiến mọi người trong đoàn đều khó chịu… Theo các nhân viên làm thuê tại cơ sở này, nấm được thu mua từ các địa phương trong tỉnh, chủ yếu là các loại nấm hồng, nấm trâu và nấm tre... sau đó được phân loại, đóng bao và vận chuyển đi bán. Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở trên có khoảng 300 kg nấm.
Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm thu mua nấm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tình trạng kinh doanh buôn bán dược liệu diễn ra khá nhộn nhịp, không chỉ các cơ sở địa phương nhập về buôn bán mà còn có rất nhiều thương lái thuê nhà để thu gom rồi vận chuyển đi bán trong và ngoài nước. Những mặt hàng được ưa chuộng là nấm rừng, mật nhân, sa nhân… Việc thu gom ồ ạt không chỉ làm “chảy máu” tài nguyên rừng mà có nguy cơ “thêm bệnh” cho người sử dụng bởi nguồn gốc các loại dược liệu đa phần không rõ ràng. Hơn nữa, việc vận chuyển, bảo quản dược liệu không đảm bảo dẫn đến ẩm mốc, có thể gây ngộ độc. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, quản lý mặt hàng dược liệu thời gian qua luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Xử lý mạnh tay
Theo ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, việc kiểm tra các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu đã được đơn vị triển khai từ đầu năm. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg, ngày 19-6-2018 chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền… thì công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường và tổ chức sâu rộng đến từng địa bàn.
 Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh nấm. Ảnh: Dã Quỳ
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh nấm. Ảnh: Dã Quỳ
“Trước tình trạng vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm diễn ra khá phổ biến, chúng tôi đã mở các đợt cao điểm kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Điển hình là vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, thực phẩm chức năng tại cơ sở Hồng Nhung (51 Trần Phú, TP. Pleiku) vào ngày 6-6-2018. Với mức độ vi phạm nghiêm trọng, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt cơ sở này 51,75 triệu đồng do kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ là tiếng Việt; đồng thời tịch thu 3.918 lon sữa gấu, 18 hộp bột ăn dặm Gerber, 102 hộp sữa đậu nành Vitamilk 110 ml, 81 hộp sữa đậu nành Vitamilk 300 ml, 66 hộp thạch cao quy linh, 170 chai sâm nước (hồng sâm) Won 100 ml và nhiều mặt hàng vi phạm khác”-ông Lê Hồng Hà cho biết.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh đã xử lý 108 vụ vi phạm về gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền với tổng số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng.

Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Hà, các vụ vi phạm liên quan đến mỹ phẩm cũng được xử lý nghiêm theo pháp luật. Chẳng hạn, ngày 4-7-2018, Đội QLTT lưu động đã phát hiện và tịch thu 8.620 gói dầu gội đầu và dầu xả giả mạo nhãn hiệu Clear, Dove của ông Nguyễn Văn Huy (thường trú ở tỉnh Nghệ An) đang bày bán tại chợ Trà Bá (TP. Pleiku). Chi cục đã lập biên bản và xử phạt ông Nguyễn Văn Huy 10 triệu đồng. Ngày 27-7-2018, Đội QLTT lưu động cũng đã xử phạt 5 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh Trần Thị Thúy Thảo (300 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku), tịch thu 150 gói trà giảm cân, 25 hộp viên dưỡng trắng da. Ngày 14-8-2018, Đội QLTT số 1 phát hiện, xử phạt 8 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Halo (116 Quyết Tiến, TP. Pleiku), tịch thu 106 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, chủ yếu là các sản phẩm như: sữa rửa mặt, dưỡng da, mặt nạ, kem chống nắng, kem tan mỡ…
Đối với mặt hàng thuốc tân dược, tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra, như: bán hàng không niêm yết giá, để lẫn với nhiều mặt hàng khác, thậm chí bán hàng hết hạn sử dụng. Cụ thể, quầy thuốc Bội Ngọc do bà Nguyễn Thị Ngọc Bích làm chủ hộ kinh doanh (348 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) bày bán 559 viên thuốc các loại đã hết hạn sử dụng. Chi cục QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy số thuốc nói trên. Tương tự, nhà thuốc Hoàng Yến do bà Huỳnh Thị Thanh Vân làm chủ hộ kinh doanh (111 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt 10 triệu đồng vì kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng và buộc tiêu hủy số lượng thuốc hết hạn theo quy định.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm