Kinh tế

Tài chính

Mất 399 triệu đồng vì nhấn vào tin nhắn kiểm tra tài khoản ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung “tài khoản ngân hàng của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ… vui lòng ấn vào đường link để kiểm tra”, người đàn ông làm theo thì bị rút mất 399 triệu đồng.
 

Sau khi đăng nhập tài khoản vào đường link lạ, người đàn ông ở Hà Nội bị rút mất 399 triệu đồng. Ảnh: Công an cung cấp


Tối 21.9, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các bên liên quan điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 400 triệu đồng.

Trước đó, ngày 18.9, Công an P.Yên Sở (Q.Hoàng Mai) tiếp nhận đơn trình báo của ông T. (63 tuổi, trú tại địa bàn) về việc ông bị lừa đảo, chiếm đoạt 399 triệu đồng.

Theo trình báo, ông T. nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18.9.2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Sau Khi ông T. đăng nhập vào đường link trên điện thoại thì phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T. mới biết mình bị lừa.

Ngoài vụ việc kể trên, Công an Q.Hoàng Mai cũng đang điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tương tự, với số tiền lên tới 520 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 22.8, bà T. (42 tuổi, trú P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) đến trình báo về việc nhận được 1 cuộc điện thoại đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực. Người này thông báo thẻ căn cước công dân của bà T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP.HCM và đang nợ tiền. Sau đó, người này tiếp tục nói căn cước công dân của bà T. có đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh.

Bà T. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho đối tượng, sau đó phát hiện tài khoản bị mất 520 triệu đồng.

Công an Q.Hoàng Mai khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook …) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng như trên. Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin và phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này. Tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho người lạ để tránh mắc bẫy.

 

Theo Trần Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm