Bạn đọc

Mất hàng chục tỉ đồng mỗi tháng vì bị lừa đảo qua điện thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 3 tháng, riêng ở Hà Nội xảy ra gần 90 vụ lừa đảo qua điện thoại, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 67 tỉ đồng, nhiều ý kiến băn khoăn vì sao nhiều nạn nhân vẫn bị lừa?

Công an TP Hà Nội mới đây thông tin, chỉ tính từ 17.6 - 17.9, toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 88 vụ giả danh cơ quan Tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 67 tỉ đồng. Trong đó, các đơn vị trong Công an thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn 41 vụ lừa đảo, thu hồi được 17,8 tỉ đồng.

Công an TP Hà Nội nhận định, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có diễn biến phức tạp mặc dù đã được cơ quan Công an thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân bị lừa đảo qua mạng Internet.

Luật sư Cường nói: nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân. Cho nên khi có các đối tượng giả danh cơ quan công an, toà án, kiểm sát… gọi điện đe doạ có liên quan đến tội phạm nhiều người dân tưởng cơ quan chức năng thật.

Thứ hai, các đối tượng sử dụng phương tiện, cách thức rất tinh vi. Ví dụ, chúng gọi điện thoại sau đó nói kết nối với một đầu máy của cơ quan công an. Sau đó đối tượng giả dạng cán bộ công an, kiểm sát … Đối tượng ở đầu dây này sẽ lại nói một giọng “như công an, kiểm sát viên thật”.

Theo luật sư Cường, các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền pháp luật, cảnh báo những vụ việc như vậy. Song không phải ai cũng có thời gian tiếp cận những thông tin này.

Luật sư Cường cho rằng, mức độ nhận thức của người dân vẫn còn thấp, thói quen tìm hiểu pháp luật còn hạn chế. Người ta cho rằng không liên quan gì đến pháp luật, vướng víu gì tới pháp luật cả. Chính vì vậy, tội phạm rất dễ tác động đến những người nhẹ dạ cả tin như vậy.

Những nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo đa phần đều là trung niên, người già. Những người này, luật sư Cường cho rằng, họ ít tiếp cận công nghệ thông tin. Khi đối tượng nhắm vào những người ở độ tuổi trung niên này, sử dụng công nghệ thông tin rồi “điều khiển” nạn nhân khá dễ dàng, để chiếm đoạt tiền.

Như vậy, có cả nguyên nhân chủ quan, đối tượng lừa đảo có kỹ năng về công nghệ thông tin; khách quan là người bị hại thiếu hiểu biết.

Nguyên nhân khác, theo luật sư Cường, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đó, những quy định pháp luật cơ bản chưa đến được hết với người dân.

Luật sư Cường cho hay, việc giáo dục pháp luật phải được thực hiện đối với đối tượng từ thanh thiếu niên. Những chương trình toà tuyên án, trinh sát kể chuyện cần được lồng ghép vào giáo dục pháp luật để việc tuyên truyền pháp luật được đa dạng, dễ hiểu.

Trong khi đó, cơ quan chức năng tiếp tục khuyến cáo, để làm việc với người dân, sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

http://https://laodong.vn/phap-luat/mat-hang-chuc-ti-dong-moi-thang-vi-bi-lua-dao-qua-dien-thoai-856672.ldo
 

Theo Việt Dũng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm