Sổ đỏ, sổ hồng là cách gọi của người dân dựa theo màu sắc bìa sổ. Về mặt pháp lý, sổ đỏ, sổ hồng đều có giá trị như nhau. Đồ họa: Khương Duy |
Mất sổ đỏ không sang tên quyền sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013, được hướng dẫn tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP, để tiến hành mua bán đất đai và sang tên quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện gồm đất đai phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).
Thêm vào đó, đất cần đảm bảo không xảy ra tranh chấp tại thời điểm mua bán, chuyển nhượng; quyền sử dụng đất không mang ra để đảm bảo kê biên thi hành án. Một điều kiện nữa là đất đang còn thời hạn sử dụng đất đối với trường đất áp dụng có thời hạn.
Ngoài ra, người sử dụng đất thực hiện việc chuyển nhượng đất còn tuân thủ các điều kiện khác theo quy định tại điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật đất đai 2013. Tóm lại, nếu như đất đai bị mất sổ đỏ, sổ hồng thì không đủ điều kiện mua bán và không thể thực hiện giao dịch mua bán, sang tên quyền sử dụng đất được.
Hồ sơ cấp lại sổ đỏ, sổ hồng
Hồ sơ cấp lại sổ đỏ, sổ hồng gồm một số giấy tờ như:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận (theo Mẫu số 10/ĐK). Đối với hộ gia đình và cá nhân, cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất sổ đỏ, sổ hồng trong thời gian 15 ngày.
- Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân.
- Giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp mất giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
Khi làm mất sổ đỏ, sổ hồng, người có nhu cầu cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xin cấp lại. Đồ họa: Khương Duy |
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người có nhu cầu nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp xã (chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu).
Trường hợp địa phương nào chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
Hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.