Thời sự - Bình luận

Mặt trận thứ hai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 vào sáng 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu chủ trương: Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh thì cả nước cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

Rõ ràng là tình hình mới đã làm thay đổi quan điểm và chiến lược phòng chống dịch. Trước đây, "sống chung với dịch bệnh" hay "sống chung với virus" là điều ít ai muốn nghĩ tới. Nay, phải thích ứng an toàn và ứng phó linh hoạt để vững chân ở cả hai mặt trận.

Mà đối với mặt trận nào cũng cần có nguồn lực. Xã hội hóa nguồn tiền mua vắc-xin phòng Covid-19; cho bệnh viện tư nhân từng bước tham gia cách ly, điều trị các F0; vận động cá nhân, hội nhóm, doanh nghiệp cùng chăm lo cho người khó khăn… là những bước đi phù hợp để "chia lửa" với nguồn lực công. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, cần cho DN tham gia sâu hơn, nhất là khi tập trung cho mặt trận thứ hai: duy trì và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, cũng tại hội nghị này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu hai kiến nghị về chống dịch để thích ứng với tình hình mới. Trong đó, ông Công đề xuất cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19. Người đứng đầu VCCI còn mong muốn trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN...

Có doanh nhân còn đề nghị phải xem DN cũng là một "pháo đài" chống dịch, chứ không chỉ có "mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài...".

Như vậy, thay vì ở vị thế khách thể như trước nay, DN muốn mình là một trong các chủ thể chung chiến tuyến phòng chống Covid-19. Điều này quá hợp lý, nhất là từ thực tiễn sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, DN rơi vào thế bị động nên gặp rất nhiều khó khăn. Khi được xem là một chủ thể đồng nghĩa DN được tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ; được chủ động xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của mình nhằm duy trì sản xuất - kinh doanh. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn hoặc "tuýt còi" khi cần thiết.

Từ kiến nghị nói trên, nhìn lại thì thấy thời gian qua nhà nước làm thay quá nhiều, trong khi DN muốn tự làm và có khả năng làm nhưng chưa được phép, ví dụ như đề xuất được quyền chọn loại hình xét nghiệm và tần suất xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tùy tình hình thực tế của từng công ty, tập đoàn. Những DN, tập đoàn lớn có hàng ngàn người lao động, đang nhận nhiều đơn hàng triệu đô, họ ý thức và hành động có trách nhiệm hơn ai hết về sự an toàn, vì sự sống còn của công ty mình và vì "nồi cơm" của hàng ngàn gia đình, hàng vạn miệng ăn!

Do đó, nhà nước không cần "gánh" mọi thứ để khỏi bị bào mòn nguồn lực. Ở mặt trận thứ hai này, vai trò chủ thể của DN phải được thừa nhận đúng và đủ. DN cũng chính là một "pháo đài" thật sự!

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm