Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Mất việc ở tuổi 30 - Kỳ 2: Kiệt sức ở tuổi thanh xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nhiều năm làm việc tại các khu công nghiệp, người lao động bị mất việc và phải làm lại từ đầu khi đã ở tuổi ngoài 35 là điều không dễ dàng.

Lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm



Đối mặt nỗi lo bệnh tật

Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trung bình hằng tuần có hơn 1.000 người đến đăng ký, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong số đó, chiếm hơn một nửa là lao động (LĐ) đến từ các khu công nghiệp (KCN). Đinh Thị Hiền, quê Hà Tĩnh, làm việc tại KCN Quang Minh (H.Mê Linh) vừa nghỉ việc cách đây 2 tháng, tâm sự: “Tôi làm doanh nghiệp (DN) may 10 năm, cách đây vài năm bắt đầu hay hắt hơi sổ mũi. Đi khám bác sĩ nói tôi bị viêm mũi dị ứng, chuyển sang viêm xoang. Vì lý do sức khỏe, tôi hay phải đi viện khám, do nghỉ nhiều nên công ty cho tôi nghỉ việc”.

Áp lực công việc cùng với môi trường làm việc khắc nghiệt là lý do khiến nhiều công nhân mắc bệnh nghề nghiệp. Nguyễn Thị Ninh, làm việc tại nhà máy điện tử ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh), cho hay: “Công việc của tôi là lắp ráp vỏ điện thoại. Do phải ngồi nhiều và cúi xuống làm liên tục, gần đây tôi bắt đầu có biểu hiện đau vùng cổ, thỉnh thoảng lại hoa mắt chóng mặt. Nhiều khi mệt chỉ ước được chợp mắt một chút mà chẳng dám vì xung quanh lúc nào cũng có camera, người giám sát”.

 

"Có nhiều công nhân bị doanh nghiệp “bỏ rơi” đã ở lại khu công nghiệp mưu sinh, bán hàng trên mạng, bán hàng rong phục vụ chính công nhân và người địa phương"-Hoàng Đức Khang, Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung, H.Đông Anh (Hà Nội)

Hiền và Ninh chỉ là 2 trong số hàng vạn công nhân đối mặt với nỗi lo bệnh tật khi DN đã sử dụng hết “date”. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho hay những người làm lắp ráp, điện tử chỉ làm được 5 - 7 năm là không thể làm tiếp vì bị ảnh hưởng từ môi trường.

Còn trong các nhà máy thủy sản, công nhân đang phải đối mặt với bệnh giãn tĩnh mạch. "Có những công nhân buổi sáng đi đôi ủng vừa, nhưng sau khi đứng suốt 8 tiếng, máu dồn xuống chân căng ra không rút ra được, phải lấy kéo cắt ủng. Ngày này qua ngày khác tích tụ, lúc đầu tĩnh mạch bằng đầu đũa, sau giãn to bằng ngón tay, gây ra bệnh giãn tĩnh mạch rất nguy hiểm”, ông Chính nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Ngà, Hội Y học và lao động VN, phần lớn công nhân là LĐ trẻ, có sức khỏe, do nhu cầu kiếm tiền họ sẵn sàng chịu đựng vất vả, hăng hái làm thêm giờ mà không dành thời gian cho giải trí, tập luyện thể thao. Trước mắt có thể họ chưa thấy gì nhưng sau 5 - 10 năm bắt đầu bị ảnh hưởng.

“Thời gian làm việc càng dài, tiếp xúc nhiều với máy móc, hóa chất, môi trường làm việc không đảm bảo các tác hại càng tăng lên. Đối với những LĐ đã có gia đình còn gặp phải áp lực về thời gian, làm tăng mức độ căng thẳng thần kinh, tâm lý… dẫn tới hàng loạt các bệnh thần kinh, nội tiết. Các yếu tố tác động phơi nhiễm nghề nghiệp nếu thời gian tiếp xúc càng dài thì tích lũy càng nhiều”, bà Ngà cho biết.

Vất vả tìm việc

Phần lớn công nhân tại các KCN đều xuất thân từ nông thôn và là lực lượng LĐ chính trong gia đình. Khi bị mất việc, LĐ phải vất vả tìm việc làm.

Sau khi rời nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất ở Bình Dương, vợ chồng Tạ Hữu Sơn quay về Nam Định. Sơn cho biết: “Trước cả hai vợ chồng làm trong nhà máy còn có trợ cấp tiền ăn, xe đưa đón… Sau khi bị nghỉ việc, vợ chồng tôi cũng định ở lại trong đó lập nghiệp đó, nhưng ăn ở tốn kém nên lại về quê. Chồng làm thợ xây, vợ làm ruộng, thấy không đủ sống, hai vợ chồng lại bàn nhau vay vốn ngân hàng cho vợ đi xuất khẩu LĐ Đài Loan...”.

Cũng giống như vợ chồng Sơn, sau nửa năm rời KCN Bắc Thăng Long về Thanh Hóa, Nguyễn Thị Nguyệt vẫn quanh quẩn ở nhà. Nguyệt bộc bạch: “Chồng tôi vẫn ở lại thành phố làm bảo vệ, còn tôi vẫn chưa xin được việc ở đâu cả. Tôi thấy làm công nhân vẫn ổn định nhưng tuổi mình lỡ dở, già chưa tới, mà trẻ thì đã qua nên đi xin việc ở đâu cũng khó.

Ngoài công việc đồng áng, tôi phải chạy chợ bán thêm rau dưa kiếm thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống”. Nguyệt kể thêm một số đồng nghiệp của cô sau khi nghỉ việc vẫn ở lại KCN làm nhân viên chạy bàn trong quán ăn, bán trà đá, nước mía, người thì bán quần áo ở chợ đêm...

Ông Hoàng Đức Khang, Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung, H.Đông Anh (Hà Nội), cho biết: “Tuy chưa có số liệu thống kê, nhưng có nhiều công nhân bị DN “bỏ rơi” đã ở lại KCN mưu sinh, bán hàng trên mạng, bán hàng rong phục vụ chính công nhân và người địa phương.

Các công nhân học hết phổ thông rồi đi làm mà không được trang bị kiến thức pháp luật. Chúng tôi đã đề nghị thành phố mở trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho người LĐ để tư vấn giúp họ về hợp đồng LĐ, bảo vệ quyền lợi cho người LĐ khi có vướng mắc, nghỉ việc, thanh lý hợp đồng. Tiếc là đến nay chưa được cơ quan chức năng đồng ý”, ông Khang nói.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, công nhân sau 35 tuổi hầu như không có “cửa” tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm. Các vị trí tuyển trên 35 tuổi làm việc tại các KCN đều là những vị trí quản lý và kỹ thuật, rất ít khi tuyển đối tượng công nhân. “Những trường hợp trên 35 tuổi được DN săn đón và trả lương cao đều là LĐ chất xám. Còn những công nhân trình độ thấp dịch chuyển nhiều nhất nhưng lại khó xin việc nhất. Để giới thiệu việc làm phù hợp cho đối tượng này là cả vấn đề chúng tôi trăn trở”, ông Phong bày tỏ.


 

Khảo sát gần đây của Viện Công nhân - Công đoàn trong tháng 3 và 4 cho thấy, trong số 500 LĐ bị chấm dứt hợp đồng tại KCN - khu chế xuất, 46,5% người thấy “bình thường” khi bị chấm dứt hợp đồng LĐ. Đặc biệt, có 27% người LĐ bị “bất ngờ” nhận quyết định nghỉ việc, 11,9% bị “khủng hoảng tâm lý" khi bị chấm dứt quan hệ LĐ. Sau khi nghỉ việc và rơi vào tình trạng thất nghiệp, phần lớn họ tìm đến các công việc tạm thời như bán hàng rong, buôn bán nhỏ, giúp việc, quay trở lại làm nông nghiệp hoặc ở nhà nội trợ...

Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm