Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mây bay từ độ… - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Buổi chiều muộn kết thúc bằng bốn đợt bái lạy đầy nghiêm cẩn. Nắng rắc những tia cuối cùng bên hiên, trên giàn thiên lý đang sai hoa.

 

Diệu úp mặt vào lòng bàn tay vài giây trước khi đứng lên yếu ớt sau cả giờ ngồi nghe kinh. Tiếng ông thầy rõ ấm vang lên sau lưng, khi đi ngang người mẹ Diệu vẫn còn như một bông hoa đang ru mình sau cơn gió.

- Cụ đừng khóc nữa! Như vậy là không được đâu cụ ạ!

Diệu quỳ sau lưng nên không biết mẹ mình khóc. Sau bao nhiêu mất mát mà mẹ vẫn còn nước mắt để khóc, thì có quá ích kỷ không khi ông thầy cứ rỉ rả bảo mẹ cầu nguyện và cố gắng ngừng khóc. Mà ông thầy tụng đám còn trẻ lắm, áng chừng bằng tuổi Diệu chứ không hơn. Diệu nghe nói vậy thì biết vậy, không quan tâm. Khi ngồi trên chuyến xe đưa ba từ bệnh viện về nhà trong đêm để làm một cuộc đoàn viên cuối cùng, Diệu cũng kìm mình không khóc. Diệu chỉ biết nắm lấy bàn tay đầy xương vẫn còn hơi ấm của ông, thì thầm kêu ba ơi ba hỡi. Như tiếng Diệu vẫn hay kêu từ ngoài cổng mỗi sáng cô đi làm ngang nhà ba, tấp vào gọi í ới để trao cho ông khi bọc nui, khi tô cháo lòng dằn bụng buổi sáng. Hôm nào thèm thuốc quá, ba lén đi bộ qua tạp hóa gần nhà, gặp lúc Diệu trờ tới, ông giấu nhẹm gói thuốc lá trong lưng quần. Diệu biết, ra vẻ giận hờn vì ba “không nghe lời”. Ông chỉ cắm cúi nhận bọc đồ ăn rồi nhanh chóng khóa cổng, kêu “bây đi nhanh kẻo trễ giờ làm”.

Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn


Diệu có thù với thuốc lá. Từ lúc mới vô lớp một, Diệu vẫn nhớ như in ngày nào ba cũng biểu cô cầm tờ tiền nhàu nát đi bộ lên ngã ba, tấp vô quán bà Bảy Bô, kêu bả bán cho ba chừng đó tiền vừa thuốc rê vừa giấy quấn. Diệu suýt sặc mấy lần khi ngồi gần ba, lúc ba kéo xẹt que diêm khè ra lửa rồi châm lên cái điếu thuốc vê tròn dài như đầu đũa. Diệu nhăn mặt, chạy biến qua nhà con Mén chơi đồ hàng, chơi cả buổi quên luôn cơm nước vì ớn mùi thuốc rê khét lẹt, hôi rình của ba. Rồi sau này bà Bảy Bô quy tiên, chắc con bả rải thuốc vô hòm luôn hay sao mà thấy nhà không còn bán thuốc rê nữa. Ba chuyển qua hút thuốc lá gói, loại nặng đô hơn. Diệu nôn lên nôn xuống thiếu điều ra mật xanh mật vàng khi mang bầu đứa con đầu lòng, mỗi bận về thăm ba mà nghe mùi thuốc lá ám trong nhà. Mẹ Diệu nói ông có nhiêu tiền tiếc không dám mua quần áo mặc mà lại không tiếc tiền mua thuốc hút. Cái câu đó, mẹ vẫn còn mang ra lẫy hờn khi chị em Diệu đưa ba từ bệnh viện về. Ông mê khói thuốc quá chi để giờ đi theo nó như khói như mây.

2. Ba đi lính, vào sinh ra tử bao nhiêu lần, nhiều lần cõng xác đồng đội băng rừng về đơn vị giữa mưa đạn tơi bời, ông không bao giờ tin vào những điều huyễn hoặc. Ông còn biểu mẹ con Diệu rằng sau này ông chết, mấy mẹ con làm ơn đừng đốt vàng mã, đừng mời thầy tụng chi cho tốn tiền, để tiền đó cho đám cháu ăn học, có lý hơn!

Lúc bác sĩ trả về, ba còn muốn trăng trối thêm điều gì nữa, mà không nói được, chỉ thấy ứa nước mắt khi về đến nhà, nhìn mặt vợ con và đám cháu lần cuối. Diệu khi đó không nhớ gì, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như một đứa trẻ con, chàng ràng bên chỗ nằm của ba, nhìn ông nằm yên không cục cựa nhúc nhích gì. Mãi đến bây giờ, mỗi khi xong cữ kinh cầu nguyện, Diệu chỉ nhớ mỗi một chỗ trống hở ra trong hàm răng dưới của ba. Ủa, ba rụng một cái răng hồi nào mình không biết? Đời lính tráng, ba kỹ nhất chuyện răng chuyện tóc. Lẽ tự nhiên, tóc ba “bay màu” theo số tuổi, nhưng hai hàm răng vẫn y nguyên, dù có xỉn màu vì khói thuốc lá. Cái khoảng trống nhỏ xíu chừng phân nửa cái móng tay thôi mà cứ khoét sâu vào tâm trí Diệu. Nó nhắc Diệu nhớ rằng trong suốt mấy năm qua, kể từ khi dọn ra ở riêng, Diệu chưa kịp nhìn kỹ khuôn mặt ba mình, đâu biết ba rụng răng hồi nào.

Nhưng mẹ Diệu thì nhớ hết, đương nhiên. Mẹ kể ba rụng cái răng hồi trước tết. Không đau, không nhức, tự nhiên rụng. Mẹ đã định kể cho chị em Diệu nghe, rồi bao nhiêu thứ rối bời lại khiến mẹ quên mất. Diệu nhắm hờ mắt, cố để tâm không động, nương theo tiếng kinh cầu và tiếng mõ vang lên trước mỗi lần vọng bái hòng quên đi tiếng rưng rức lặng buồn khều những sợi tóc lơ thơ run rẩy trên đầu mẹ.

3. Ông chú ruột bấm đốt tay, xoay tới xoay lui, đếm xuôi đếm ngược, lẩm nhẩm tính toán đâu một hồi. Chú tính sao đó mà mặt mày chú lại biến sắc, đen như than khiến chị em Diệu phát hoảng.

- Ba tụi bây mất ngay cung Càn, cung xấu lắm nghen bây!

Mấy chị em Diệu, ngoài những con số vây ngập đầu trong công việc làm ăn, có ai để ý đến cung mạng can chi để làm gì. Thậm chí, Diệu cũng nghĩ rằng nếu ba còn sống, ông cũng sẽ gạt phăng lời chú. Dù là hai anh em giống nhau như tạc từ khuôn mặt, tướng đi đến giọng nói, ba vẫn có cái khác chú rất nhiều ở việc chẳng bao giờ tin những điều không rõ ràng.

Mấy chị em Diệu giống ba ở cái tính cứng cỏi, chỉ trừ chị Hai. Chị trăn trở thao thức hoài từ hôm nghe chú phán chắc như đinh đóng cột “phải yểm!”. Rồi chị cũng nghe bùi tai hay sao, chị họp mấy mẹ con lại, nói “kiếm thầy đi!”. Diệu từ chưng hửng chuyển sang sửng sốt, bàng hoàng.
- Đâu có được! Ba có tội tình gì! Không có căn cứ gì để tin chuyện ma mị như vậy được!

Chị Hai trầm tư:

- Sao mình không hỏi ông thầy tụng? Biết đâu…

Ông thầy tụng chiêu một ngụm trà mát được ý tứ che khuất sau tay áo rộng rinh. Cái nóng của con nắng tháng đầu hè khiến mọi thứ như tan chảy. Mà nghiệt thay, cái ý nghĩ muốn trù yểm gì đó của ông chú ruột vẫn còn nguyên khối ở trong lòng. Chị em Diệu biết rõ chú sợ ba kéo chú theo. Người đàn ông dám đứng giữa trời tuyên bố không màng đến vợ con, làm được nhiêu tiền đều để “dành bao gái, thà nuôi con trăm họ còn hơn nuôi con mình”, bỗng một ngày run rẩy sợ “quéo cò” trước vận mệnh hạn số cuộc đời, rồi một hai đòi “yểm” người đã khuất để trừ hậu họa cho riêng mình. Diệu gọi tiếng chú mà nghe đắng chát đầu môi.

- Làm vậy thất đức lắm, nghiệt lắm, không nhẹ đâu thí chủ ơi!

Diệu nhìn mồ hôi chảy đầm đìa trên gương mặt hồng hào của ông thầy, những căng thẳng đang bủa vây bỗng dưng dịu lại. Những ngày rối bời với bao nhiêu thứ luẩn quẩn trong đầu, Diệu chưa một lần nhìn qua khuôn mặt ông thầy tụng một cách kỹ càng, chỉ biết tâm trí được nâng đỡ bằng những lời kinh như an ủi vỗ về của thầy. Lời kinh nhẹ như mây bay gió thoảng, tựa làn nước trong lành xoa dịu hết thảy.

4. Giàn thiên lý sau những ngày bị dạt qua một bên để tiện che rạp, và bị bỏ quên trong chừng đó ngày không một giọt nước, kỳ diệu thay vẫn sống và không ngừng vươn mình dài ra thêm một khoảng. Mẹ là người đầu tiên nhớ ra nó. Bà tưới nước, vuốt từng cái hoa đang nằm im rũ rượi trên giàn, ứa nước mắt. Mà mắt mẹ hình như lúc nào cũng ướt. Diệu không nhìn bà, chỉ nắm bàn tay đầy gân, cộm lên trong tay mình, sờ nắn. Mới hay đã lâu rồi mình chưa một lần cầm nắm bàn tay mẹ. Đôi bàn tay đó vốn đã không còn đẹp ngay từ thời tuổi trẻ, khi phải ngược xuôi lo lắng cho năm miệng ăn tất thảy, thì đẹp có nghĩa lý gì.

Diệu ước giá mà mình có sức mạnh vô hình nào đó, có thể luân chuyển mọi thứ. Ước gì bàn tay mẹ được đỡ nâng bao bọc trong đôi tay rắn rỏi của ba. Những hờn tủi có lẽ cũng được an ủi phần nào. Để giờ ba bóng chim tăm cá, mẹ cũng vơi bớt phần nào những nghĩ ngợi.

- Cô biết không, chúng ta không có sức mạnh vô biên để hóa giải mọi thứ. Nhưng chữa lành thì có thể.

Tiếng thầy tụng chậm rãi trôi qua Diệu trong buổi chiều lặng gió. Nắng rọi xuyên những chùm thiên lý hắt bóng xuống khuôn mặt đầy đặn hiền từ của ông thầy. Lần đầu tiên, Diệu dám nhìn thẳng vào mắt thầy, tìm một sự bằng an nào đó mà cô tin rằng mình sẽ gặp. Diệu chưa bao giờ nhìn thấy sự bằng an hiển hiện trong mắt chồng cũ của mình, dù chỉ là một thoáng ghé ngang nhà thắp cho ba nén hương, gửi ít quà bánh cho con Diệu rồi mất hút sau những dấu giày, còn chẳng ghé mắt qua khuôn mặt vợ cũ xem Diệu có ổn không. Nếu anh có hỏi, chắc Diệu cũng khe khẽ gật đầu nói mình ổn. Mà kỳ thực, liệu ai thực sự ổn sau những mất mát không gì bù đắp nổi?

Diệu mang khăn lạnh cho ông thầy lau mồ hôi. Không dưng mà lòng cô chùng lại.

Ông thầy bỗng nhiên im lặng, chỉ nhìn lên giàn thiên lý. Diệu đương nhiên không muốn phá vỡ giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của thầy.


- Chuyện của cụ ông, chúng ta có thể dùng tâm đức để hóa giải. Mọi thứ rồi sẽ nhẹ như mây…

Sứ mệnh của mây là bay đi. Không gì có thể níu giữ. Thầy đưa cho Diệu một chuỗi tràng hạt gỗ màu nâu sẫm. Diệu chưa bao giờ sờ đến một chuỗi hạt nào giống vậy. Dù chỉ mới lần đầu chạm vào nhưng cảm giác gần gũi lạ kỳ. Mỗi một hạt là một giọt nước mắt từ bi của những đức thượng tôn đầy tình yêu thương. Những giọt từ bi ấy rồi sẽ tưới tắm lên lòng người đang hoang hoải rối bời giữa hơn thua được mất.

Mỗi buổi chiều, tay lần tràng hạt, Diệu ru mình trong những lời cầu nguyện. Diệu không cầu gì cho mình, chỉ cầu cho mẹ được nhiều sức khỏe, bình an cùng mình đi hết bão giông.

Trong những ngày ngược gió ra thăm ba, Diệu bỗng nhận ra mắt mẹ đã khô từ khi nào. Dáng mẹ cũng không còn nghiêng một bên như bông hoa sắp gục đầu từ tạ. Trên chuyến xe trở về, mẹ nói như chỉ để Diệu nghe.

- Mẹ con mình lên thăm thầy nghen! Nghe nói hôm qua thầy mới bị tai nạn, đang nằm viện. Mẹ lo!

- Liệu có kỳ không hả mẹ?

- Khờ quá! Thầy tụng cũng là một nghề tích đức tu thân, vẫn có thể gầy dựng một gia đình bình thường như bao người mà con!

- Ủa…

Mình khờ khạo đến vậy sao? Diệu không biết người mẹ lo nhất chính là Diệu. Như cái giàn thiên lý bị bỏ quên kia, con gái của mẹ cũng cần được tưới những giọt nước mát lành để có thể sống tiếp. Trong những buổi kinh cầu cho ba Diệu, bà nhìn rất kỹ khuôn mặt phúc hậu của ông thầy. Ánh mắt rất ấm của thầy mỗi khi hướng nhìn khuôn mặt con gái bà. Cũng chính bà lau những giọt nước mắt cho ông thầy tụng trẻ tuổi đó. Mất mát của bà và chị em Diệu có là gì so với mất mát của thầy. Người ta sẽ sống sao khi chỉ còn một mình trơ trọi lại trên đời? Những năm tháng đầy hoang hoải và lạc lõng khi từng người thân yêu vội vàng rời bỏ mình sau một cái chớp mắt, chỉ mình thầy hiểu rõ điều đó. Mất mát của Diệu, của bà, mất mát của hàng triệu triệu người khi cơn đại dịch lướt qua… cũng đều là một mất mát chung. Nó mang hình hài của nhớ thương tiếc nuối.

- Cụ có hình dung được không, chỉ trong một tuần, dịch bệnh lần lượt cướp đi của tôi ba người thân yêu nhất.

Trong cơn dịch sinh tử này, chỉ một cái chớp mắt là muôn trùng xa cách. Chỉ vài mét thôi mà rốt cuộc tôi vẫn mãi mãi không chào tạm biệt được một ai. Những bóng áo xanh trong bệnh viện đã thay tôi làm điều cuối cùng cho ba người họ…

Mẹ Diệu ngồi lặng yên, mặc bóng nắng ngả nghiêng trên vai mình. Bà thấy rõ ràng trước mắt mình một chàng trai phúc hậu, tạm cởi bỏ những bộ đồ lịch lãm, khoác lên mình chiếc nâu sòng, lần chuỗi hạt, tìm đến gốc bồ đề mong được ủi an bởi tiếng kinh cầu. Và rồi, nhờ chàng trai ấy, ông nhà bà cũng yên ổn thân tâm.

***

Đó là buổi chiều cuối tháng. Diệu không còn nhận ra “ông thầy” với lời kinh tiếng kệ như ru.

- Tạm biệt cô! Đây mới chính là phát tâm đúng đắn nhất mà tôi mới ngộ.
- Ừ vậy, thầy cứ đi! Xin chúc bình an và bảo trọng!

Giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, lẫn vào trong nhóm tình nguyện viên tiếp tế lương thực cho tuyến đầu chống dịch, “ông thầy” vẫn không giấu được Diệu ánh mắt ấm áp sau cặp kính.

Diệu giấu vẻ bối rối vào áng mây treo bên ngoài kính xe, giật mình khi bắt gặp một vết khuyết giữa đám mây trắng bồng bềnh, y hệt cái răng rụng của ba. Ba đang cười với Diệu. Nụ cười dù đã khuyết mất một cái răng mà vẫn đẹp lạ lùng.

Cái đẹp đó, dù là ở hình thái nào, đầy hay khuyết, vẫn đẹp thôi mà. Chỉ cô là chưa kịp nhận ra…

Theo Trần Huyền Trang (TNO)

Có thể bạn quan tâm