Cuốn sách không phải là những tác phẩm công trình về địa hạt ngôn ngữ học mà là những mảnh ghép từ miền ký ức. Là chuyện của thày có cái tên là Từ làng tôi đến làng đại học.
Xứ Thanh có ba ông tên Đức đều làm nghề giáo.
GS-TS-NGND Hà Minh Đức, thày dạy của lứa chúng tôi thời Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội (ĐHTH). Thày Hà Minh Đức tài hoa uyên bác từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh này báo chí công luận đã tốn kha khá giấy mực vinh danh. Một Phó GS-TS Hà Đình Đức từng được nhắc nhớ nhiều ở Khoa Sinh ĐHTH, thành viên của tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm quốc tế, ủy viên Ủy ban Vườn Phôngtenơbơlô (Fontainebleau - Pháp). Thày Đức này còn nổi tiếng về công trình nghiên cứu Bò Xám Tây Nguyên và Rùa Hồ Gươm. Dân vẫn quen gọi là Đức Rùa.
Chân dung GS Đinh Văn Đức |
Một thày Đức nữa là GS-TS-NGND Đinh Văn Đức, người tôi quen sau nhị vị họ Hà kia. Gần đây lại thêm ấn tượng về một cuốn sách của thày mới tặng. Chính là cuốn sách Từ làng tôi đến làng đại học đã nói trên.
Cậu bé làng quê xứ Thanh tốt nghiệp ngành ngôn ngữ ĐHTH cuối những năm năm mươi. Rồi hơn nửa thế kỷ làm nghề dạy bậc đại học. Không chỉ trong nước mà còn Đại học Roxtov trên sông Đông, Đại học Paris7, Đại học Cornell Hoa Kỳ, Đại học Seoul… Bao nhiêu là mảnh ghép của hơn 50 năm ấy. Mảnh riêng có của thày, của những chứng kiến can dự và trong cuộc. Nhưng tác giả đã trở thành bạn bè thân thiết, tâm giao với người đọc vì đã kết nối bằng những kỷ niệm, bằng cái cách nhắc nhớ đồng cảm vị tha nhân văn với sự trong trẻo tỉnh táo đôn hậu hiếm thấy. Và cả cái mạch văn chương nữa.
Làng quê và làng đại học. Làng là quê. Trường là nghiệp. Một tâm thế thường trực như là người làng như là người trong cuộc luôn gắng gỏi theo cái nghiệp dạy học mà thày luôn coi như nghiệp nhà. Buồn vui, hạnh phúc hoặc bất hạnh đều ở cõi ấy, ở quan hệ ấy.
Cuốn sách mới của GS Đinh Văn Đức |
Vâng! Trong lứa học trò chúng tôi những tưởng đã định hình đã mặc định về một GS Nguyễn Tài Cẩn tài hoa uyên bác lẫn tính cách Nghệ độc đáo thời gian ở Khoa Ngữ-Văn ĐHTH. Nhưng với ký ức của thày Đinh Văn Đức, vẫn phải ngạc nhiên sững sờ hối tiếc thêm về một Nguyễn Tài Cẩn - nhà sư phạm tâm huyết tiết tháo với tầm nhìn xa. GS đã chịu biết bao đau đớn thua thiệt khi tiên phong đổi mới phương pháp truyền thụ giảng dạy quyết tâm trả chữ về cho trò, trả sự dạy đích thực về cho thày! Lại chịu thêm cả những suy diễn quy kết ấu trĩ… Khi cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt của GS được xuất bản người ta xì xào lườm nguýt rằng thời điểm này (cuối năm 1979) mà có người còn thân… Tàu vậy?
Chợt giật mình trước nay về những khiếm khuyết nếu như ai đó từng viết tiểu sử về GS Nguyễn Tài Cẩn? Có lẽ phải khẩn trương tìm gặp thêm thày Đức mà bổ sung? Thêm bao bâng khuâng về những liễn đối trên giấy hồng điều mà GS Nguyễn Tài Cẩn lưu lại ở các vị trí trang trọng tận trường ĐH Paris 7 và Cornell Hoa Kỳ về sự dạy sự học.
Cũng như vậy trước nay những tưởng đã mặc định một khuôn hình, một chân dung GS Trần Đình Huợu. Nhớ quãng thời gian thày lên lớp ở Mễ Trì về văn học cận đại, về nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ. Và ít nhiều qua người bạn học mà thày từng hướng dẫn luận văn nay là GS Trần Ngọc Vương nổi tiếng. Nhưng giờ mới bàng hoàng hụt hẫng thêm. Vị GS người Nghệ đáng kính qua những dòng hồi ức của thày Đức đã gặp bao ngáng trở thua thiệt mà lứa chúng tôi không hề hay biết? Cảm động khi đọc những biên chép về GS Trần Đình Huợu khi thày trò có những thời điểm ở xứ người theo kiểu Tổ quốc nhìn từ xa… Chiều kích của GS Trần Đình Huợu như hoành tráng thêm lên?
Những mảnh ghép - ký ức về GS Hoàng Xuân Hãn như bàng bạc man mác của thể loại tiểu thuyết tư liệu. Có lẽ thân phụ thày Đức từng học một lớp với GS Hãn từ thời trường Vinh? Học giả Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn đã biệt nhãn sẻ chia với người con trai người bạn thân thuở hoa niên với mình những tư liệu giá trị?
Và bây giờ là bao nhiêu những hụt hẫng cái thời ở Văn khoa trường Tổng hợp ấy, đám chúng tôi đã sao nhãng đã vô tình lướt qua thày Cao Xuân Hạo. Chỉ loáng thoáng biết đó là một nhân viên nghe nói cũng có tài ở phòng tư liệu khoa Văn của trường. Bây giờ đọc thày Đức, khá nhiều những giật thột khi cặp phạm trù biện chứng Nguyễn Tài Cẩn - Cao Xuân Hạo ló dạng những lấp lánh này khác? Thày Đức đã công phu bày biện ra bao chi tiết đắt giá. Trời ơi với một học giả một dịch giả như trưởng nam của cụ Cao Xuân Huy, từng 25 năm kiên nhẫn nhịn dạy mà chúng tôi đã không có duyên gặp và quen thì quả quá hối tiếc và vô tâm?
Lại dày thêm cảm giác tiêng tiếc khi chợt nghĩ, phải ai đó công tâm lẫn tĩnh tâm và cả tài khéo nữa khi làm cái việc biên chép lại tiểu sử (không, phải là đại sử) về khoa Ngữ Văn trường ĐHTH một thuở một thời. Về những ngày và thời điểm tất tả của những vị GS đầu ngành mà một thời ta cứ xuề xòa bình dân gọi là cán bộ giảng dạy. Vẫn còn những dư địa cho vị thế của những GS Cao Xuân Huy, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Tài Cẩn và phu nhân Nona, Trần Đình Hượu, Bùi Duy Tân, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Đình Thản, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hàm Dương vv…
Những mảnh ghép của thày Đức về một quá vãng không chỉ những kỷ niệm học thuật. Cái thời bao cấp khốn khó ló dạng ở nhiều trạng huống tất tả bi thương! Rằng cơm áo không đùa với… GS! Hơi bị thú vị khi thưởng thức những quan sát, chiêm nghiệm của một nhà ngôn ngữ học khiến những trạng huống ấy sắc lẻm, lợi hại như thứ tân văn của nhà báo.
Chuyện GS Đức và GS Lê Quang Thiêm suốt đêm không ngủ được vì mùi tỏi (chả là vợ của hai GS mua cho mỗi người 5 kg tỏi mang vào Sài Gòn bán kiếm chút lời. Tỏi phải rải dưới gậm giường cho khỏi hỏng). Hình ảnh GS Lê Đình Kỵ khi chuyển vào Nam dạy học khư khư ôm cái chậu nhôm Liên Xô to tướng đựng đồ trên suốt chuyến bay. Chi tiết nhà Hán học Trần Thuyết ôm cái khung xe đạp lách qua an ninh chạy vội rồi ngã sấp xuống đường băng!
Chuyện các thày các GS đáng kính từng bị thủ tục hành chính hành cho tơi tả. Từng loang khắp chuyện GS Hoàng Xuân Nhị đáng kính, phụ trách Khoa Văn thuở chúng tôi ở ĐHTH muốn đi thăm cô con gái ở Pháp đã phải hơn 20 lần chầu chực ở các cơ quan công quyền mới xin được những giấy tờ cho chuyến thăm bằng tiền riêng của GS!
Và chuyện thày Đức đi công cán ở Mátxcơva có nguyện vọng đi thăm vợ đang làm nghiên cứu sinh ở Sofia Bulgari.
Người ta mách thày Đức tìm gặp GS Hoàng Phê. Vì GS Phê cũng từng công cán ở Liên Xô rồi sang được Tiệp thăm con gái. Thày hăm hở đến. Vị GS cao niên đáng kính dội ngay cho một gáo nước lạnh.
Tôi khuyên anh đừng đi… Vì sau chuyến đi ấy tôi suýt bị kỷ luật!
Thất vọng rồi lóe chút hy vọng khi một người quen giới thiệu thày Đức gặp được một nhân vật đặc biệt. Đó là bác Mão vụ trưởng Vụ Ngoại tệ ở Bộ Tài chính. Vụ ấy thường xuyên giám sát việc chi tiêu của các Đại sứ quán… Bác khuyến khích thày Đức cứ làm giấy tờ xin đi nước thứ 2 là Bulgari.
Đơn trình bày của thày Đức được gửi lên Khoa. Từ Khoa, thày vác tiếp đơn lên Phòng Tổ chức. Rồi thày được hướng dẫn lên gặp ông Hiệu trưởng. Hiệu trưởng lại trình công văn lên lãnh đạo Bộ ĐH&THCN. Lãnh đạo Bộ chuyển đơn cho Vụ Hợp tác Quốc tế. Vụ này ngần ngại không dám ký bảo thày cứ cầm đơn sang Vụ Tổ chức cán bộ vì nơi đó quản nhân sự. Sau nhiều ngày chầu chực, thày được trả lời không thể vì chưa có tiền lệ.
May quá rồi cũng có chữ ký của ông Vụ trưởng Vụ ấy.
Rồi đơn của thày được chuyển lên cho Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ. Nhưng thời gian đó, ông Tứ đi công tác vắng. Đơn lại được đặt lên bàn của Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy. Ông Tùy sau khi nghiên cứu đã phán rằng ngay rằng việc này ông không quyết được! Mà quyền quyết phải là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô theo nguyên tắc của Lãnh sự.
Nhưng ông thứ trưởng đã bày cho thày một cách. Ông Tùy viết một bức thư cho ông Đại sứ có đóng dấu treo nhờ giúp đỡ xem sao!
Thày Đức chợt nhớ và chạy đến bác Mão. Bác Mão viết một thư tay. Thoáng thấy bác ghi kính gửi ông Khoan gì đó. Bác giải thích không phải ông Vũ Khoan tham tán công sứ Sứ quán (sau này là Thứ trưởng Ngoại giao) mà là anh Trần Khoan tham tán tài chính của Sứ quán.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ hội thảo khoa học ở Mátxcơva, theo lời dặn của bác Mão, thày Đức đã tìm đến Đại sứ quán để gặp ông Trần Khoan.
Ông Khoan ngạc nhiên sao cái ông giáo ngôn ngữ này lại quen một người như bác Mão đầy quyền uy được?
Ngoài thư của bác Mão anh có giấy tờ gì khác không? Thày Đức trình ra với ông Khoan thư của ông Tùy thứ trưởng. Đọc xong thư, ông Khoan mặt vẫn khó đăm đăm rồi vuột ra một chuyện. Rằng đồng chí Đinh Nho Liêm, Ủy viên T.Ư là Đại sứ mới nhậm chức có quyền lực rất lớn. Ông Liêm thông gia với Tổng Bí thư Lê Duẩn mà. Anh Liêm vừa có nghiêm lệnh là đóng cửa biên giới Liên Xô và Đông Âu với tất cả người Việt để đề phòng chuyện buôn bán gian lận. Vậy ai đến Liên Xô làm xong việc thì phải trở về nước ngay chứ không được đi bất cứ nước nào nếu không phải công vụ!
Nghe xong thày Đức thất vọng tràn trề. Ngó vẻ mặt thày Đức, ông Khoan đọc lại thư bác Mão lần nữa rồi động viên rằng cứ cầm thư này đến ông Quang nào đó khi ấy là tham tán công sứ, người chịu trách nhiệm giải quyết sự vụ khi Đại sứ Đinh Nho Liêm đang về nước họp thì may ra…
Tối hôm sau dưới trời tuyết rơi tầm tã, thày Đức đến gõ cửa nhà ông Quang - người có quyền lực thứ hai sau Đại sứ Đinh Nho Liêm ở ngõ Obolensky, Mátxcơva. May mắn ông Khoan đã trao đổi với ông Quang trước đó. Ông Quang bộc bạch rằng, nể tình quan hệ giữa Sứ quán với bác Mão ở Bộ Tài chính, chúng tôi đã phải quyết định tập thể việc của thày, đồng ý giải quyết cho thày đi như một trường hợp đặc biệt không chính thức!
Vậy là năm tao bảy tiết, thày Đức mới được sang Bun thăm vợ!
… Khiêm tốn như thày Đức, cuốn sách là những mảnh ghép… Hoặc với người đọc là cuốn hồi ký của GS-NGND Đinh Văn Đức cũng được? Gì thì gì nhưng sách khơi dậy được sự đồng cảm ấm áp của người đọc lại cũng chẳng sướng sao?
Và cũng là niềm vui của thày Đức ở tuổi đà tám mấy?
Theo Xuân Ba (TPO)