Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mẹ tôi gạt cỏ bước lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã lâu rồi, tôi và mẹ mới có một cuộc trò chuyện lâu đến vậy, vui vẻ đến vậy. Dĩ nhiên là qua điện thoại.

Tôi nghĩ, đôi khi tôi vô tình làm mẹ buồn.

Ấy là những khi mẹ gọi điện cho tôi, thường là kể chuyện nhà chuyện cửa; chuyện xóm giềng, làng xã.

Nếu không thì cũng nhắc nhở tôi ăn uống điều độ; làm việc có chừng có mực… Và cuối cùng, bao giờ cũng là “bớt bớt cái chuyện nóng tính như cha mi cho mẹ nhờ”.

Những lúc như thế, tôi chỉ trả lời quấy quá vài câu, rồi nói vội, trước khi tắt máy “con đang bận lắm. Chút con gọi lại”. Nhưng hiếm khi tôi thực hiện được điều ấy.

Đôi khi là nhắc mấy chuyện cúng kính ngày giỗ kị ông bà tổ tiên, dù ở quê là chính. Mẹ dặn kĩ nhất là chuyện sắm sửa lễ cúng và lời khấn “sao cho tươm tất, thành kính, có gì không hiểu thì hỏi mẹ”.

Bao giờ tôi cũng kêu “Mẹ cứ yên tâm. Trên mạng hướng dẫn đủ cả, chi tiết lắm”. Vậy hả con? Mẹ buông một câu. Hẳn lúc ấy mẹ buồn lắm.

Sống gần 80 năm dài đằng đẵng, trải qua bao nhiêu biến cố, một tay mẹ thu vén, chèo chống gia đình, nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, có phong tục, tập quán nào mà mẹ không biết, không hiểu? Nhưng con cái có hỏi mẹ đâu.

Lâu dần, mẹ chỉ hỏi “khỏe không con”, rồi tắt máy khi nghe câu trả lời “dạ khỏe” từ thằng con trai đã gần 50 tuổi đầu. Có lần tôi cự nự, mẹ thở hắt ra: Mẹ sợ quấy rầy lúc con bận.

Sau này tôi mới nhận ra, mẹ đã buồn biết bao nhiêu trước sự thờ ơ của những đứa con mình.


 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Sáng nay, hỏi thăm sức khỏe xong, tôi gợi hỏi chuyện quê, mẹ có vẻ bất ngờ, rồi sau đó vui mừng lắm. “Cữ này, trời cũng đã bắt đầu nắng nóng, buổi chiều thường có mưa dông. Đi làm đồng, phải biết trông chừng mà chạy về... Con nhớ không”?

Mắt tôi mờ đi như có khói, như thấy mẹ đang đứng trong sân gạch, khum khum bàn tay che mắt, e ngại ngó về phía chân trời đang đùn lên những khối mây đen, trong khi khoảng trời trên đầu vẫn xanh ngằn ngặt.

Dạ, nhớ chứ. Mẹ dạy con mà. Con nhà nông mà không biết nhìn mây, đoán mưa… thì đói. Mẹ cười: Ừ, mẹ thì học từ bà ngoại.

Cứ như thế, mẹ kéo tôi về, buộc tôi vào quê nhà bằng sợi dây vô hình, nhưng hết sức bền chặt.

Mẹ tôi ấy, là một nông dân chính hiệu.

Còn nhớ, có lần ôn thi, tôi ê a đọc bài thơ “Trông ra bờ ruộng” của nhà thơ Hữu Thỉnh, mẹ ngồi bên phe phẩy cái quạt mo xua muỗi. Đến mấy câu “Quanh quanh vẫn một mảnh bờ/Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên/Mẹ tôi gạt cỏ bước lên/Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn”, bà tặc lưỡi: Cái ông nhà thơ ni giỏi thật.

Nghĩ cũng lạ. Dù là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối, sống cực nhọc, lam lũ đúng như đời nông dân lam lũ, cực nhọc, nhưng mẹ đọc nhiều, hiểu nhiều, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ.

Mấy đứa cháu thì khỏi nói, mê bà kể chuyện vô cùng. Vì mỗi khi kể, bà thường vận vào những câu ca dao, tục ngữ rất sâu sắc, rất duyên dáng.

Mấy chục năm trời, từ khi lấy bố tôi, cho đến giờ, bà chăm bẵm khoảng một mẫu ruộng (10 sào Trung bộ, 5.000m2) gọn ơ. Cả ngày mẹ ở ngoài ruộng. Mỗi lần tôi tìm ra ruộng, là một lần thấy bà gạt cỏ bước lên.

Đám ruộng mẹ tôi chăm bẵm năm nào cũng được mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân. Bà nuôi heo, gà cũng mát tay có tiếng. Xóm trong làng ngoài, ai ai cũng nể trọng bà, phần lớn là vì chuyện gì bà cũng làm "ngon lành" cả.

Suốt thời tuổi trẻ, chồng đi xa biền biệt, hết chiến trường B đến chiến trường K, rồi biên giới phía Bắc, bà gánh vác tất cả, quần quật làm lụng nuôi con. Khi ông nghỉ hưu, lại một tay chăm chồng, mảnh đạn găm trong người ông không lấy ra được, cứ trái gió trở trời là đau nhức.

Nghỉ ngơi được ít ngày, ông lại bận chuyện làng, chuyện xã, nên đi suốt. Có những bữa cơm, dọn ra từ khi mặt trời mới tắt nắng, đến đêm muộn. Bà vẫn ngồi chờ, chỉ cần nghe tiếng xe đạp lanh canh ngoài cổng là vụt đứng dậy đi hâm nóng đồ ăn.

Ở quê tôi, có nhiều bà, nhiều mẹ giống hệt mẹ tôi!

Cũng tất bật, lam lũ, quê mùa. Cũng vì chồng con mà quên mất bản thân mình như vậy. Cũng thương đồng, thương ruộng tới lúc tàn hơi, tới lúc chân tay lẩy bẩy mới thôi.

Mẹ kể, thời chiến tranh, đàn ông cả làng, cả xã, cả huyện đều ra chiến trường, nên phụ nữ ở nhà gánh vác chuyện đồng áng. Rồi quen. Khổ trước sướng sau. Vì chồng con thì khổ mấy cũng chịu được.

Dần dà, có gì mà phụ nữ ở xứ này không làm được? Kể cả sau này, khi đất nước hòa bình, thống nhất, cái gì mẹ tôi làm được, phụ nữ làm được là làm. “Đâu nhất thiết phải là đàn ông mới có thể làm những việc đó”- mẹ tôi nói, giọng vui vẻ.

Trước khi cúp máy, tôi nói nhớ mẹ và mong mẹ khỏe mạnh, bà cười: Hôm nay anh nói chuyện nhiều là mẹ nghi rồi. Chắc nhân Ngày của mẹ chứ gì? Hóa ra bà đã biết có một ngày được gọi là Ngày của mẹ. Tôi ngạc nhiên: Mẹ giỏi thế!

Mẹ “mắng”: Anh đừng coi thường nông dân như mẹ. Mấy ngày nay trên mạng xã hội thấy người ta nói nhiều về Ngày của mẹ. Nhưng mẹ nghĩ, tình yêu thương dành cho mẹ đâu phải chỉ riêng một ngày? Anh cứ khỏe là mẹ vui rồi.

Nhiều người làm thơ, gửi quà tặng mẹ. Nhưng chưa thấy bài thơ nào hay như “Quanh quanh vẫn một mảnh bờ/Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên/Mẹ tôi gạt cỏ bước lên/Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn”, nhỉ- bà thủng thẳng.

Cuộc trò chuyện ngắt đột ngột khi mẹ tôi đi nấu cơm tối. Nghe mẹ nói bố đi đánh cờ với mấy ông trong xóm, chắc dở cuộc nên về muộn. Bây giờ sức khỏe yếu, không còn “gạt cỏ bước lên” được nữa, nhưng mẹ vẫn ngồi bên mâm cơm chờ bố về, khi nghe tiếng xe lanh canh sẽ đi hâm nóng lại thức ăn. Như bao nhiêu năm qua.

Mẹ tôi là vậy!

Theo Hồng Lam (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm