Điểm đến Gia Lai

Miền đất khó ngày ấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1983, xã Pờ Tó được chia tách thành 2 xã: Pờ Tó và Chư Răng. Mặc dù cách trung tâm huyện khoảng 15 km nhưng ngày ấy, Pờ Tó là vùng đất đầy khó khăn và nghèo khổ, đi lại khá vất vả nên người ta thường đặt cho biệt danh “hốc Pờ Tó”. 
Một góc làng Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Ảnh: Vũ Chi
Từ ngày thành lập huyện Ia Pa (năm 2002), tôi có nhiều chuyến công tác đến địa bàn này. Trung tâm huyện lỵ được xây dựng trên một khu đồi khá rộng thuộc xã Kim Tân nhưng lại xa khu dân cư và thiếu nước sinh hoạt.
Trong một lần đi thực tế tìm hiểu về mô hình nông nghiệp trên vùng đất khó, tôi gặp được anh Nhận, bấy giờ là Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa. Anh quan niệm, nếu muốn vận động bà con vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì phải có định hướng trồng cây gì, nuôi con gì có thể đem lại lợi nhuận cao, vừa có lợi ích cho gia đình vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.
Vì vậy, anh tiên phong làm “người nông dân chân đất” nghiên cứu đầu tư vào vùng đất khó Pờ Tó, mở trang trại chăn nuôi bò, trồng mía, mì và lập vườn cây ăn quả. Trang trại của anh khá bề thế, đầu tư sâu về giống, kỹ thuật kể cả trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi để hướng dẫn và cung cấp cho nông dân ở địa phương.
Vài năm sau, khi cùng anh đến thăm một số gia đình được anh hướng dẫn phương cách làm ăn, tôi nhận thấy, bà con đã thực sự đổi đời; từ chỗ hai bàn tay trắng, nhiều gia đình đã tậu được đất đai, nuôi hàng chục con bò, có trang trại trồng mì, trồng mía, cho thu nhập cao.
Từ một vùng đất ít ai ngó ngàng tới, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, khi có người mạnh dạn đi đầu khai phá những tiềm năng vốn có nơi đây làm cho đất trở mình sống dậy như anh Nhận thì sau đó nhiều hộ theo bước chân người mở đường đến với Pờ Tó đầu tư mở trang trại làm ăn phát đạt. 
Tôi nhớ, một buổi trưa ngày hôm ấy, trong căn nhà sàn gỗ của anh Nhận mới làm giữa trang trại, có hồ cá, xung quanh được trồng dừa và có vườn thanh long mới ra bói, chúng tôi dùng bữa cơm đạm bạc với cây nhà lá vườn nhưng đầy thú vị. Anh bảo người nhà ra vườn hái mấy quả thanh long ruột đỏ, loại giống mà anh là người đầu tiên đưa về trồng thử nghiệm ở đây để mời tôi ăn tráng miệng.
Nhìn quả thanh long ruột đỏ khá hấp dẫn, ăn ngon ngọt hơn loại thanh long ruột trắng, tôi đề nghị anh Nhận nên mở rộng diện tích cây ăn quả này và khuyến khích nông dân trồng để cung cấp ra thị trường. Anh bảo, để trồng thử nghiệm một vài mùa và khảo sát thị trường ra sao rồi hãy phổ biến cho người dân trồng cũng chưa muộn. Sự cẩn trọng của anh trong cách làm ăn kinh tế như vậy, tôi rất an tâm và cảm phục.
Ngày nay, ở Pờ Tó đã xuất hiện nhiều tỷ phú “chân đất”, tôi rất mừng vì cái “hốc Pờ Tó” ngày ấy đã trở thành vùng “nông trang” trong thời kỳ đổi mới.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm