Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Miền ký ức thẳm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Văn Người-Hoa Biển” (Nhà Xuất bản Văn học, 2017) có thể xem là một cuộc hội ngộ trong tâm tưởng của các thế hệ thầy và trò Khoa Ngữ văn-Đại học Quy Nhơn trước ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa. Ở đó, ngược dòng sóng nước thời gian, một miền ký ức thẳm xanh với hình ảnh thân thương của Phố biển, giảng đường, thầy cô, bè bạn… nối nhau hiện về trên từng con chữ khiến ai chạm vào cũng thấy rưng rưng.

Đọc “Văn Người-Hoa Biển”, những ai từng dạy và học ở Khoa Ngữ văn-Đại học Quy Nhơn hẳn sẽ có cảm giác như đang trôi trên những lớp sóng kỷ niệm dạt dào. Ở đó, có nỗi thổn thức nhớ về một thành phố “khoáng đạt, giàu chất thơ” với bãi biển trước cổng trường “ầm ào những con sóng trắng vỗ bờ”; về sân trường, nơi “giữa bãi cỏ xanh mướt là những cây sứ già gốc sần sùi, có thân cây bằng gốc dừa, cành xương xẩu nhưng lấp lánh từng chùm hoa trắng, thơm ngát quanh năm”; về biển Quy Hòa “quanh năm suốt tháng vi vu tiếng thông reo hòa tiếng sóng vỗ”; về giảng đường với “những phòng học có ô cửa xanh màu nước biển”, từ đó nhìn ra thấy “màu biển xanh ngút ngàn”…

 

Ảnh: Cao Nguyên
Ảnh: Cao Nguyên

Nhưng Quy Nhơn dẫu có đẹp đến bao nhiêu và Đại học Quy Nhơn có là “thiên đường mở, ngan ngát hương hoa và gió biển” như ai đó nhận xét thì hẳn cũng chẳng đủ sức neo đậu trong lòng bao lớp thầy trò qua gió bụi thời gian nếu thiếu vắng hơi ấm tình người. Trong “Văn Người-Hoa Biển”, bạn đọc dễ nhận ra những dòng hoài niệm chan chứa niềm yêu thương, trân trọng, tự hào về những ngày tháng thanh xuân được sống giữa ân tình của thầy cô, bè bạn. Thầy Nguyễn Khắc Hóa khi nhớ về những ngày đầu nhận công tác ở Khoa Ngữ văn đã viết đầy xúc động: “Sinh viên khóa một, khóa hai và các thầy cô giáo ở đây sao thật dễ thương. Nhập cuộc là thân thiện, là yêu thương ngay từ phút đầu gặp gỡ. Từ ánh mắt nụ cười đến cử chỉ thân thương, tất cả rạng ngời lên trong tôi một niềm tin yêu thiết tha và sâu nặng”. Hơn 30 năm sau, Mộng Thường (một nữ sinh khóa 33) cũng viết những dòng ấm áp về thầy cô: “Mỗi thầy cô một dấu ấn, dạy cho chúng tôi những bài học, những đức tính tốt đẹp, đạo lý làm người. Thầy cô luôn quan tâm đến chúng tôi, mừng vui trước sự tiến bộ, trăn trở vì những khuyết điểm mà chúng tôi vấp phải”.

Trong cuộc hội ngộ tâm tưởng “Văn Người-Hoa Biển”, điều được nói đến nhiều nhất, trân trọng nhất, tự hào nhất chính là kỷ niệm về những thầy-cô giáo đáng kính của Khoa Ngữ văn. Đó là những người mà ngay giữa thời bao cấp “đói thế, khổ thế nhưng ai cũng chăm lo đọc sách, nghiên cứu chuyên môn. Ai cũng lo phải dạy thật tốt” như chia sẻ của thầy Võ Xuân Hào. Bởi cái tinh thần đam mê khoa học, trách nhiệm với nghề như vậy nên dễ hiểu tại sao, qua cảm nhận của các thế hệ sinh viên, mỗi thầy-cô giáo Khoa Ngữ văn không chỉ là một tấm gương sáng về nhân cách sống mà còn là một mẫu hình trí tuệ khát khao vươn tới.

Họ để lại ấn tượng sâu đậm trong sinh viên đến mức, chị Lê Thị Thu (khóa 13) ra trường đã hơn 20 năm vẫn nhớ rành rọt như thể mới ngày hôm qua: “Nhớ nét chữ chân phương mà chuẩn mực của thầy Giai ghi trên bảng cùng với lời giảng đầy tâm huyết và những lời góp ý chân tình nhẹ nhàng, sâu sắc; những giờ học Văn học dân gian của thầy Nhân và cô Thân như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn; cảm nhận được sự xót xa cho thân phận nàng Kiều qua gương mặt rất phiêu của thầy Nguyễn Ngọc Quang tài tử. Nhớ những giọt nước mắt của thầy Minh khi thầy nhập vai vào bài giảng; nhớ chất men say trong thơ Lý Bạch, chất triết mỹ hài hòa trí tuệ và cảm xúc đến giản dị tự nhiên trong thơ tình Tagore (…) qua lời giảng của thầy Hiển; thầy Huỳnh Chương Hưng với những câu triết của Khổng Tử, Mạnh Tử trong những giờ Hán Nôm…”.

Thật khó có thể điểm hết những mảng màu ký ức được trao gửi trong hơn 200 trang sách “Văn Người-Hoa Biển”. Và bản thân những điều trao gửi trong tập sách này cũng chưa hẳn đã là tất cả tiếng lòng của lớp lớp thế hệ thầy trò Khoa Ngữ văn. Tuy vậy, “Văn Người-Hoa Biển” vẫn có thể xem là một cuốn sử, một bộ phim tài liệu giá trị ghi lại chân dung tinh thần của thầy trò trong Khoa suốt chặng đường 40 năm qua. Bởi nói như thầy Lê Từ Hiển trong bài viết có ý nghĩa khái quát về cuốn sách rằng: “Mỗi gương mặt mỗi thời một khác, nhưng nhạy cảm văn hóa, tâm huyết nghề nghiệp… qua giới hạn vài trang vẫn có khả năng khơi dậy ở chúng ta những kỷ niệm ấm lòng, những cảm thức tinh túy về cái đẹp trong những biểu hiện đa dạng, khác lạ, tiếp cận những cá tính sáng tạo riêng biệt và cả chiều sâu tư tưởng nhân văn, nỗi đau phải trả, khát vọng chưa thành… cũng như bài học thành bại của mỗi người-mỗi thế hệ trong quá trình gánh nghiệp cầm bút mang chữ vào đời”.

Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm