Phóng sự - Ký sự

Miên man cùng Cù lao Phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những người bạn mà tôi quen biết ở Biên Hòa (cả cũ và mới), đều là người Biên Hòa chính hiệu, hay nhắc đến cái tên Cù lao Phố với vẻ tự hào, làm tôi không khỏi tò mò.

Rồi sự kiện thông xe kỹ thuật cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai, nối Cù lao Phố đã làm cho địa danh này một lần nữa được nhiều người quan tâm. Ngay khi vừa qua cầu Hiệp Hòa, đặt chân lên đất Cù lao Phố, là sự hiện diện của các di tích hàng trăm năm tuổi như chùa Đại Giác, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Ghềnh, đình Bình Quang… Và chính Cù lao Phố là hình ảnh tượng trưng cho quá trình đi lên đầy kiêu hãnh của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai…

 

Những chuyến phà An Hảo cuối cùng qua sông Đồng Nai.
Những chuyến phà An Hảo cuối cùng qua sông Đồng Nai.

Ngược dòng thời gian

Nhờ sự giới thiệu của một người con đất cù lao, tôi tìm gặp cụ ông Lê Văn Chín thường được gọi là ông Chín Lùn, năm nay 83 tuổi. Gia đình cụ là một trong những hộ định cư nhiều đời ở đất cù lao. Nhà cụ nằm sát mé sông Đồng Nai, cách cầu Ghềnh (hay Gành theo cách gọi của người dân cù lao) chưa đầy 100m. Trong ký ức của cụ Chín, Cù lao Phố khi xưa là những đồng lúa mênh mông, chưa có trường học nào, cụ phải ra chợ Đồn học tiểu học, rồi thi lên trường tỉnh. Quãng năm 1946-1947, dân cư ở đây rất ít, chỉ khoảng dưới 1.000 dân và xung quanh cầu Ghềnh khi đó chỉ có vài ba nhà. Nếu tính cả quanh khu vực UBND xã bây giờ, cũng chỉ có 10 nhà, bao quanh là vườn tược, cây trái sum suê. Vào mùa khô, cậu bé Chín vẫn thường cùng bạn đồng trang lứa lội (bơi) qua sông.

Lùi xa nữa, khoảng hơn 300 năm trước, nơi đây từng là một thương cảng sầm uất, nơi các tàu buôn của Nhật Bản, Trung Quốc và cả châu Âu thường xuyên lui tới. Cụ Chín nghe cổ nhân kể lại, cái tên Cù lao Phố có từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần, gắn liền với cái tên Trần Thượng Xuyên vốn là quan lại của triều Minh, khoảng năm 1679. Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: “Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quán đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội…”. Nhà văn Sơn Nam cũng đã viết: “Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn”. Một điều khá thú vị nữa là sau đó đến năm 1698 thì một nhóm người Hoa ở Cù lao Phố tách ra đến ở trung tâm quận 5 TP. HCM ngày nay để thành lập xã Minh Hương, tạo nên khu định cư mới của người Hoa ở khu vực chợ Lớn Sài Gòn.

Có thể nói, cái tên Cù lao Phố gắn liền với quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất phương Nam từ thời chúa Nguyễn cách đây đã hơn 3 thế kỷ nên nó đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Biên Hòa.  

Từ cầu Ghềnh đến cầu Hiệp Hòa

Bố của cụ Chín từng là thợ sắt, tham gia thi công cầu Ghềnh những năm đầu thế kỷ 20. Khi còn sống, ông già kể lại là xây cầu Ghềnh hồi đó chỉ có mật đường, vôi Càn Long trộn với cây ô dước giã nhỏ. Xây cầu ngày đó hao lắm vì phải quây sắt lại rồi hút nước ra để thi công trụ móng cầu, công nhân leo xuống có người bị chết ngạt… Vậy mà công trình vẫn tồn tại với thời gian nếu không có sự cố sà lan sập cầu cách đây ít năm!

Là người sinh ra, lớn lên ở Cù lao Phố và cuộc đời đã sống qua nhiều chế độ, từ thực dân phong kiến, qua hai cuộc kháng chiến đến hòa bình hôm nay, đầu óc còn khá minh mẫn nên cụ Chín có thể kể rành rẽ về quá khứ: “khi lên 10-11 tuổi thì xảy ra đảo chánh Nhật - Pháp đánh nhau, tui theo gánh thúng của mẹ qua đò nhỏ qua cầu An Hảo bây giờ, một bên cù lao là mật khu của Việt Minh”. Ngôi nhà cũ của gia đình ông cất theo kiểu truyền thống ba gian hai chái, cột kèo gỗ nhìn ra sông Đồng Nai với diện tích cả vườn khoảng 1.300m2, giờ con cái cải tạo thành nhà cấp 4.

Xưa kia, việc đi lại của người dân Cù lao Phố với nội ô TP Biên Hòa trông chờ vào cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát. Khác với cầu Ghềnh mới, ngày trước mặt đường ngoài chạy tàu lửa còn sử dụng cho cả ô tô đi chung, còn xe máy và xe đạp cùng người đi bộ đi hai bên cầu. Nhưng từ khi xây dựng cầu Ghềnh mới (khánh thành ngày 2-7-2016, kiến trúc, màu sắc vẫn được giữ nhằm giữ lại chút hồn của một công trình có tính biểu tượng của tỉnh Đồng Nai) thì chỉ có cho tàu lửa chạy, xe máy và người đi bộ đi một bên. Cầu được thiết kế thành 3 nhịp và độ tĩnh không cũng nâng lên so với cầu cũ để thuận lợi cho tàu bè qua lại trên sông. Trước đó, việc giao thương đi lại chủ lực là cầu Hiệp Hòa nối Cù lao Phố với nội ô thành phố Biên Hòa.

Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, ông Phạm Văn Hòa, cũng là người Cù lao Phố chính gốc, giải thích cái tên Hiệp Hòa là sự hợp nhất 3 ấp Nhất Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa. Ông tâm sự: “Ngày trước, khi chưa có cầu Hiệp Hòa thì giao thông đi lại phụ thuộc 2 cầu đường sắt là Ghềnh và Rạch Cát ở hai đầu nhưng tải trọng chỉ được 5 tấn cả xe và hàng hóa nên kinh tế  khó phát triển. Từ khi có cầu Hiệp Hòa, tải trọng tăng lên 30 tấn đã tạo điều kiện thông thoáng cho xe cộ và hàng hóa vào xã, người dân đi lại thuận tiện; kinh tế, dịch vụ phát triển theo và bộ mặt của xã thay đổi hẳn khi không còn nhà cửa lụp xụp dọc theo trục đường chính... Sự khởi sắc ấy được minh chứng qua những con số: Năm 2016 thu ngân sách của xã đã đạt 2,5 tỷ đồng, vượt 63% so với chỉ tiêu giao, gấp 2,5 lần trước khi có cầu là năm 2010 và đặc biệt người dân có mức hưởng thụ cao hơn về văn hóa, được tiếp cận dịch vụ Internet, ti vi truyền hình cáp... Số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2016 chỉ còn 18 hộ và 7 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,8%.

Nếu biết khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, người dân Hiệp Hòa còn có thể làm giàu từ du lịch vì lợi thế nằm gần trung TP Biên Hòa. Ngày giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh là một ngày lễ hội lớn của Cù lao Phố diễn ra vào ngày 16-5 Âm lịch.    

Ngày 1-5-2017 thực sự là một cột mốc đáng nhớ của Cù lao Phố khi cầu An Hảo được thông xe, nối trung tâm TP Biên Hòa qua Cù lao Phố với phường An Bình, thông ra ngã tư Vũng Tàu, nối với quốc lộ 1 và quốc lộ 51 chỉ bằng 5 phút đi xe. Người dân, nhất là con em của xã đi làm trong các Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và 2 không còn phải chịu cảnh lụy phà mất thời gian như trước. Cụ Chín không giấu vẻ vui mừng: “Bây giờ có cầu An Hảo đi cái rột tới ngã tư Vũng Tàu. Tôi  đi Long Thành thăm con gái cũng cái rột là tới”.

Kế hoạch của tỉnh là sẽ sớm xây thêm một cây cầu nữa bắc qua sông Đồng Nai và kèm theo đó là một con đường mới qua đất cù lao nối với trung tâm sự kiện của tỉnh. Chia tay Cù lao Phố khi nắng chiều đang dần tắt bên phía bờ Tây của sông Đồng Nai, tôi càng thêm mến mộ những con người bình dị như cụ Chín, mới hiểu vì sao người xứ Trấn Biên lại yêu mến đất cù lao này đến vậy.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm