Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Miền Trung: Mưa lũ gây cô lập, một người mất tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Đến chiều 26-11, lượng mưa bắt đầu giảm nhưng nhiều vùng giao thông vẫn chưa thể đi lại được. Đã có một học sinh ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi bị nước lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Tại Quảng Nam, lượng  mưa lớn  khiến nước đập dâng  thủy điện sông Tranh II  dâng cao vượt ngưỡng an toàn - cao trình 172 m. Nhà máy thủy điện Sông Tranh II buộc phải xả lũ theo quy trình toàn bộ 6 cửa xả với lưu lượng xả bình quân 1.400 m3 /giây. Việc xả lũ đã làm mực nước hạ lưu  dâng cao.

Tại huyện Bắc Trà My, hai cầu ngầm sông Nước Oa và ngầm Sông Trường, nước lũ dâng cao  cắt đứt hoàn toàn tuyến giao thông huyết mạch lên sáu xã vùng cao Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka của huyện Bắc Trà My và  huyện Nam Trà My. Huyện  Bắc Trà My  huy động lực lượng  chốt chặn tại các điểm ngập sâu, tuyệt đối không cho người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Tại huyện Nông Sơn, mưa lớn cộng thêm việc xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2  gây ngập và chia cắt toàn bộ các tuyến giao thông từ các xã về trung tâm huyện.

Các tuyến đường ĐT 611, ĐT 610 từ Quốc lộ đi Nông Sơn  vẫn còn ngập nhiều điểm.Đến chiều nay, lượng mưa có giảm nhưng nước vẫn còn ở mức cao, giao thông vẫn chưa thông tuyến.

Tại một số nơi của tỉnh Quảng Ngãi như xã Sơn Giang, huyện Sơn Tây, Đức Hòa, huyện Mộ Đức, lượng  mưa đo được gần 300 mm, huyện Ba Tơ trên 315mm. Mưa lớn, kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm cho hầu hết các sông ở Quảng Ngãi lên nhanh. Riêng sông Vệ  xấp xỉ báo động 3.

Nước sông lên nhanh khiến hàng ngàn nhà dân ở vùng trũng thấp ven sông Vệ bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường ven sông Vệ thuộc các xã Đức Hòa, Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Hiệp, huyện Mộ Đức bị chia cắt.

Tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, nước lũ lên nhanh làm hầu hết nhà dân thuộc các thôn Phước Toàn, Phước Tây, Phước Chánh, Phước Mỹ bị ngập hơn 1 mét. Ủy ban Nhân dân xã Đức Hòa đã huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn địa phương và các tổ thanh niên xung kích di dời 62 hộ dân đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Tấn Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi nói: "Chúng tôi đã triển khai tất cả cho nhân dân biết, chủ động dự trữ lương thực trong vòng 1 tháng để phòng ngập sâu như năm 1999. Đó là bài học để chúng tôi rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão".

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong 2 ngày qua có mưa vừa đến mưa to. Đến chiều tối 26-11, mưa lũ đã làm hơn 1.200 nhà dân ở các huyện An Lão, Hoài Ân và khu đông các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát bị ngập, hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng hư hỏng, hệ thống đường giao thông, đê điều, kênh mương cũng bị nước lũ gây sạt lở nặng…

Mực nước các sông dâng cao đột ngột làm tuyến đường tỉnh lộ ĐT 629 ngập sâu hơn 1,5m, gây ắch tắc giao thông trong nhiều giờ và làm hơn 300 nhà dân bị ngập nước. Tuyến đường từ xã An Quang lên các xã vùng cao An Toàn, An Dũng bị sạt lở mái ta luy, đất, đá bồi lấp hơn 1 ngàn mét khối, cô lập hoàn toàn nhiều vùng dân cư.

Huyện An Lão đã huy động 30 chiến sĩ dùng thuyền máy và ca nô cứu hộ được 10 người dân, 1xe tải, 4 xe mô tô bị kẹt giữa dòng nuớc lũ tại xã An Hòa và An Vinh.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm