Phóng sự - Ký sự

Miếu Quan Đế giữa lòng thành phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nằm nép mình dưới tán cây vú sữa cổ thụ sum suê, dù tường vách bên ngoài đã qua nhiều lớp vôi theo năm tháng, ngôi miếu vẫn toát ra vẻ cũ xưa của một kiến trúc tín ngưỡng hình thành từ hơn nửa thế kỷ trước.

Lâu nay, người dân xung quanh và những ai quan tâm đến Pleiku xưa từng ghé qua đều quen gọi ngôi miếu này là chùa Hai Ngựa (số 191 Phan Đình Giót, phường Hội Thương, TP. Pleiku).

1. Có lẽ người ta căn cứ vào một nét đặc trưng, điểm nhấn trong kiến trúc của ngôi miếu để đặt cho nó cái tên đậm chất dân dã ấy. Đó là đôi ngựa đứng hai bên trước hiên miếu, đắp bằng xi măng và thạch cao, to lớn như thật, phần cổ được cách điệu nghệ thuật vươn dài khác thường, nhưng nhìn rất sống động và đẹp mắt, có yên cương đầy đủ.

Trước ngực đôi ngựa có ghi tên người cúng tặng miếu bằng chữ Nho: con màu đỏ do ông Diệp Thanh và bà Ngô Thị An tặng, con trắng do ông Phan Sĩ và bà Nguyễn Thị Thanh tặng. Có lẽ đây là 2 cặp vợ chồng xuất tiền thuê thợ đắp đôi ngựa cúng dường, đặt hai bên cửa vào chánh điện, như thần thú trấn giữ nơi linh thiêng này.

Nếu biết vị thần chính được thờ phụng ở đây là Quan Vũ (tức Quan Công, Quan Thánh, Quan Đế) thì khi nhìn con ngựa đỏ, chúng ta sẽ không khỏi liên tưởng đến ngay vật cưỡi của ông có tên là Xích Thố huyền thoại trong bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” nổi tiếng.

Nếu dựa vào tên gọi có chữ “chùa” và nhìn vào quy mô tượng bài trí trong chánh điện với tôn tượng Phật Thích Ca cao lớn nhất đặt ở bàn thờ trên trong miếu, không ít người sẽ nghĩ rằng đây là ngôi chùa của tư gia. Hoặc nếu dựa vào vị trí trung tâm của tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo uy nghi trên bàn thờ dưới, cũng có nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là đền thờ Đức thánh Trần.

Ngoài ra, bức tượng Mẫu (có lẽ là mẫu Liễu) đặt ở bên phải tượng Phật Thích Ca và bức hoành phi “Mẫu nghi thiên hạ” treo trên cửa ra cũng khiến người đến miếu nghĩ rằng có thể đây vốn là am Bà hoặc điện Mẫu.

Trong khi đó, so với 3 vị trên, tượng Quan Thánh nhỏ nhất, đặt tại vị trí bên trái Phật Thích Ca trên cao nên khá khiêm tốn ở góc nhìn, tượng đặc trưng nhận dạng với áo bào xanh, râu năm chòm, mặt đỏ, một tay cầm sách, một tay vuốt râu.

Hai bên bàn thờ chung, phía phải là bức chân dung vẽ Lưu Bị bằng sơn màu trên ván gỗ, mặt trắng cầm trường kiếm; tương tự, bên trái là bức chân dung vẽ Trương Phi mặt đen, râu quai nón, cầm đoản đao.

Trên đầu 2 bức chân dung này lại có bức ảnh thờ nhỏ, thường thấy tại những bàn thờ tư gia, chùa chiền với hình Quan Thánh ngồi giữa, một bên là Quan Bình cầm ấn tín, một bên là Châu Thương cầm long đao đứng hầu phía sau.

Cổng miếu Quan Đế. Ảnh: N.A.M

Cổng miếu Quan Đế. Ảnh: N.A.M

Toàn bộ hệ thống văn tự của miếu đều viết bằng chữ Nho, bài trí từ ngoài vào trong, hơn 90% trong đó đều khẳng định đây thực ra là miếu thờ Quan Thánh Đế Quân. Trên cổng vào có 4 chữ lớn “Thiên Quang linh tự” (nghĩa đen: ngôi miếu Thiên Quang linh thiêng), câu đối hai bên cổng viết: “Quan Thánh tối anh linh viễn cận hàm triêm ân mặc tướng/Đế Quân chân hiển hách bắc nam hồng mộc trạch hoằng phu” (nghĩa là: Quan Thánh rất đỗi linh thiêng, xa gần đều ít nhiều nhờ ơn ông phù hộ/Đế Quân là bậc tiếng tăm vang dội, khắp chốn đều thấm nhuần công đức của ngài).

Trước hiên vào chánh điện lại có 3 chữ Nho lớn “Miếu Quan Đế” và trên cửa vào chánh tẩm có tấm biển gỗ sơn đen chữ vàng viết “Càn khôn chính khí” (chánh khí trùm trời đất), hai bên phía dưới là câu đối ghi lịch sử nhà nước phong kiến Trung Quốc và tam giáo phong tặng danh hiệu cho Quan Thánh qua 2.000 năm: “Hán phong Hầu, Tống phong (chữ này bị viết sai thành “thanh”) Vương, Thanh phong Đại Đế; Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên Tôn” (nghĩa là: Nhà Hán phong làm Hầu, nhà Tống phong làm Vương, nhà Thanh phong làm Đại Đế; đạo Nho kính là Thánh, đạo Phật kính là Phật, đạo Lão kính là bậc Thiên Tôn).

Hai bên bàn thờ trung tâm lại có câu đối ca ngợi vị thần chủ: “Quan Thánh trung tâm nguy nguy nghĩa đức tham thiên địa/Đế Quân tá Hán hách hách thần uy quán cổ kim” (nghĩa là: Lòng trung thành của Quan Thánh và nghĩa khí đức độ của ngài sừng sững trùm trời đất; phò giúp nhà Hán, uy danh của Đế Quân sáng chói cả xưa lẫn nay).

2. Người quản lý miếu hiện nay là bà Trương Thị Thắng. Bà Thắng kể: Bà sinh năm 1943, quê gốc ở Bình Định, lên Gia Lai từ năm 9 tuổi, ông cố là người Hoa lấy vợ Kinh. Cha chồng của bà là ông Trần Văn Bông (vẫn được người dân gọi là thầy Bông) vốn là người thợ đào và sửa giếng, được Quan Thánh “bắt xác”, nhập vào khiến ông đau bệnh, sau trận ốm nặng, ông có khả năng chữa các bệnh lạ.

Khi người bệnh đến gặp thầy Bông được Quan Thánh nhập hỏi bệnh và chỉ cách chữa trị, một số người khỏi bệnh đã theo nhang khói phụng thờ Quan Thánh.

Ban đầu, thầy Bông làm nhà lập bàn thờ thánh trên đường Phan Đình Giót đoạn dưới, năm 1970 mới dời về vị trí hiện nay và thuê thợ Huế xây dựng miếu. Sau khi thầy Bông qua đời, con cái vẫn thường nhang khói. Ngày lễ chính của miếu là 13 tháng 3 vía ngài Quan Thánh và ngày 20 tháng 8 giỗ ngài.

Về lai lịch các bức tượng, bà Thắng cho biết, tượng Quan Thánh có từ khi lập miếu, còn tượng thánh Trần được thầy Bông thỉnh từ Sài Gòn, tượng Mẫu bà không rõ, riêng tượng Phật Thích Ca vốn từ một ngôi chùa ngoài Biển Hồ bị đổ được đưa về đây.

Bà Trương Thị Thắng trước chánh điện miếu Quan Đế. Ảnh: L.H.S

Bà Trương Thị Thắng trước chánh điện miếu Quan Đế. Ảnh: L.H.S

Tín ngưỡng Quan Thánh có nguồn gốc Trung Quốc, du nhập vào nước ta từ xa xưa, phổ biến khắp 3 miền. Tại Gia Lai, kết quả tìm hiểu của chúng tôi cho biết, tại đình An Thuận (xã Tân An, huyện Đak Pơ) hiện còn giữ được một đạo sắc riêng phong cho Quan Thánh từ năm 1911; tại đình An Mỹ (xã An Phú, TP. Pleiku) hiện còn giữ được pho tượng Quan Thánh cùng Quan Bình và Châu Thương bằng đất nung xưa, cùng cặp liễn đối ván ca ngợi Quan Thánh từ năm 1940.

Ngoài ra, trong dân gian còn nhiều nhà thờ Quan Thánh với tư cách là vị thần độ mạng, vị thần trấn tà, rồi các thánh thất Cao Đài trên địa bàn tỉnh cũng có bài vị thờ Quan Thánh Đế Quân với tư cách là đại thần hộ pháp… Điều này chứng tỏ tín ngưỡng Quan Thánh đã phổ biến tại Gia Lai ít nhất từ hơn 1 thế kỷ qua.

Tại các địa phương khác, nhất là khu vực có nhiều người Hoa sinh sống và xây dựng đền miếu, nơi thờ bà Thiên Hậu được gọi là “chùa Bà”, còn nơi thờ Quan Thánh được gọi là “chùa Ông”. Thêm nữa, chữ “tự” trong “Thiên Quang linh tự” có nhiều nghĩa: cơ quan, nơi, chùa, miếu… trong đó nghĩa “tự là chùa” phổ biến. Vì những lý do như vậy, người ta thường gọi nơi nào có chữ “tự” hoặc thấy bài trí tượng Phật là “chùa”, như trường hợp “Thanh Minh tự” ở An Khê và “Thiên Quang linh tự” tại Pleiku.

Miếu Quan Thánh mở cửa hàng ngày cho khách thập phương vào tham quan tự do. Lần đến miếu trước, chúng tôi gặp anh N. (nhân vật đề nghị giấu tên, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) dắt con đến miếu thắp nhang. Anh cho biết, sở dĩ mình từ xa đến đây vì thấy nơi này yên bình, thanh tịnh. Trước đây, anh vô tình ghé qua thấy thích và từ đó mỗi khi rảnh rỗi, anh vẫn đến miếu thắp nhang và ngồi chơi.

Còn bà Trương Thị Ngọc Liên-người sống gần miếu hơn 60 năm thì cho biết: Lúc nhỏ, bà theo cha mẹ đến miếu chơi, nay già lúc rảnh rỗi vẫn dẫn cháu đến đây thư giãn bởi thấy nơi này thoải mái, nhẹ nhàng.

Trước đây, miếu có cho khách đến xin xăm, nhưng sau khi thầy Bông qua đời, không còn người giải xăm, nay chỉ còn bộ keo gỗ và tiền âm dương đặt trong đĩa trắng xưa bên cạnh tượng Đức thánh Trần, để ai muốn nhờ hỏi thần linh chuyện nên chăng, hay dở thì tùy ý xin keo, xin âm dương.

Tiếc rằng, hầu hết văn tự viết bằng sơn, mực trên cột và vách xi măng tại miếu lâu ngày đã bị mờ hoặc sơn phủ lấp, có nguy cơ biến mất trong nay mai nếu gia đình không cố gắng tìm cách bảo lưu. Kiến trúc miếu cũng đã xuống cấp khá nặng, vì gia đình không có điều kiện duy tu bảo dưỡng…

*

Nhìn cảnh tường loang mái nghiêng, bà Thắng ngậm ngùi cho hay, chồng bà đã mất, con cái ra riêng hết, không có tiền bạc để sửa sang. Tết vừa rồi cố gắng lắm cũng chỉ đủ tiền sơn lại 2 con ngựa, còn tường vách thì đành để đó không biết bao giờ mới làm lại được, nay bà tuổi cao sức yếu, phải lo hoa quả nhang khói hàng ngày cho miếu.

Bà Thắng cho biết thêm, khách đến miếu thương tình công đức góp tiền nhang đèn, nhưng bởi thưa thớt nên cũng thiếu trước hụt sau luôn. Dù vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, tận tâm với việc giữ gìn di sản cha ông gây dựng nên miếu vẫn sạch đẹp, ấm cúng, giữ được dấu ấn xưa cho Phố núi.

Có thể bạn quan tâm