Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mít quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời buôn bán chưa phát triển, ăn uống hàng ngày ở nông thôn là mùa nào thức ấy. Nhưng có năm, gặp lúc mưa nắng thất thường, rau củ èo uột thì vườn nhà nào có mấy cây mít là mừng lắm. Vì mít không chê đất cằn, chịu khó ra trái để cung cấp thức ăn, có lúc còn tham gia “cứu đói” cho người dân quê.
Mít ra hoa vào mùa xuân, hoa đực sau một thời gian phát tán phấn thì rụng, hoa cái tượng thành trái, chín vào cuối mùa hè. Trái mít ăn trong giai đoạn nào cũng được, nếu biết cách chế biến thì non, già hay chín đều có món ngon. Một trái mít không bỏ phần nào, từ múi, xơ đến hột, ngay cả vỏ cũng được tận dụng làm thức ăn cho bò.
Trong vườn, hiếm có loại trái cây nào làm ra được nhiều món ăn với cơm như mít. Muốn nhanh thì làm rau sống: mít non xắt mỏng, rửa sạch mủ, thêm vài cọng rau thơm, chấm với mắm ruột là đủ qua bữa. Có thời gian thì làm gỏi: luộc vài miếng mít non, vớt ra xắt nhỏ, cho gia vị vào, vắt chanh trộn đều, rắc lên ít đậu phộng rang và rau răm, rau húng. Bóp xổi thì phải mít chín, gỡ múi, xé dọc, phơi nắng cho se lại, cùng một ít cà giòn, mấy lát thơm, đem vào trộn với mắm cơm có ớt tỏi, ăn vào cảm nhận được cả vị mặn, ngọt, chua, cay. Gặp trái mít có xơ dày, vàng ươm thì đem muối dưa, có nơi gọi là nhút (nhút Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Trong các món ăn từ mít, nức tiếng là mít non nấu canh cá chuồn. Vì thế mới có câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Mít non gọt vỏ, xắt mỏng, rửa sạch mủ. Cá làm sạch, cắt khúc ngắn, ướp nghệ tươi, củ hành tăm, ớt và tiêu chừng mươi phút. Hái nắm lá lốt, xắt thành sợi. Nước sôi bùng cho cá vào, tiếp đến là mít, khi cá chín mới bỏ lá lốt, nêm nếm cho vừa, phải có chút mắm cái để mặn mà. Mít non kho với cá chuồn, cá nục cũng ngon. Thưởng thức một lần là nhớ mãi!
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Ngoài việc chế biến các món dùng trong bữa cơm, mít còn là một loại trái cây ăn cho vui. Vui nên ít ai xẻ mít ngồi ăn một mình. Thường vào buổi trưa hè, dăm ba người xúm lại dưới bóng mát, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Hôm nào không có mít chín thì dái mít cũng vui. Dái mít ngon khi bên ngoài phủ một lớp cám vàng nhạt, không còn chát gắt mà chỉ hơi chát, ngòn ngọt, bùi bùi, thêm chén mắm ruốc giã ớt tỏi thiệt cay là tha hồ quệt. Những đêm trăng sáng, nhà nào có hột mít thì luộc, í ới mấy người hàng xóm tập trung tán gẫu cho đến khuya.
Trong họ hàng nhà mít, chỉ có mít Tố Nữ được người đời trân trọng một tí với cái tên thật kiêu sa. Ngoài ra, so với các loại trái cây khác, dường như mít không được nâng niu lắm. Thăm dò chín hay chưa, người ta dùng cây gõ vào mình nó, nghe bịch bịch là chín. Thậm chí muốn mít chín cho ngon, người ta chặt một đoạn cây, vót nhọn, đóng từ cuống vào rồi vứt ở đống rơm. Có lẽ vì da nó xù xì, đụng vào là chảy mủ, mà mủ mít thì khó rửa vô cùng! Dù vậy, mít vẫn rất gần gũi với người dân quê. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều chuyện vui, nhiều từ ngữ liên quan đến mít: “mít ướt”, “mít đặc”, “mít đông”, “...như hột mít”, “...như lá mít”...
Tuy không có vẻ thi vị nhưng bù lại, mít rất có ích nên được nhiều nhà lựa chọn, trồng trong vườn hoặc trên gò đồi. Có lẽ vì lợi ích thiết thực đó nên các nhà nghiên cứu thực phẩm chú ý và khẳng định: mít là “thực phẩm cho tương lai”, “cây trồng cứu đói của thế giới trong tương lai”!
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm