Kinh tế

Mô hình canh tác bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, cây lạc dại (hay còn gọi là cỏ đậu phộng) được nhiều nông dân trồng xen với các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, mang lại hiệu quả thiết thực.

Anh Nguyễn Xuân Ry (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) được xem là người tiên phong trong việc áp dụng trồng cây lạc dại trong vườn hồ tiêu trên địa bàn huyện. Anh Ry cho biết: “Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy nhiều nơi nông dân trồng lạc dại trong vườn cây công nghiệp, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế rất cao và bền vững. Ở  tỉnh ta chưa áp dụng mô hình này, trong khi đó tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu làm cho nông dân lo lắng nên tôi vào Bình Phước mua giống lạc dại về trồng trong vườn hồ tiêu nhà mình”. 1.000 trụ hồ tiêu của gia đình anh đã được phủ kín lạc dại từ khi vườn tiêu mới 1 năm tuổi, hiệu quả mang lại rất rõ rệt. “Việc đầu tư cho cây hồ tiêu giảm hẳn vì lạc dại là cây họ đậu, sinh trưởng rất nhanh, lại cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây hồ tiêu, giữ được độ ẩm và hút nước rất tốt...”-anh Ry cho biết thêm.

 

Nhiều nông dân trồng xen lạc dại trong vườn tiêu.
Nhiều nông dân trồng xen lạc dại trong vườn tiêu.

Mô hình trồng cây lạc dại được nông dân trồng cây công nghiệp ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ áp dụng khá phổ biến. Trong khi đó, ở tỉnh ta, nông dân còn khá e ngại trong việc đưa cây lạc dại vào trồng xen trong vườn cà phê, tiêu... vì nghĩ rằng lạc dại sẽ hút hết chất dinh dưỡng của các loại cây trồng này, làm cho cây kém phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Tài (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), cây họ đậu sinh trưởng rất nhanh. Ngoài việc cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây hồ tiêu, giữ được độ ẩm và hút nước tốt, lạc dại còn có khả năng dẫn dụ côn trùng từ gốc hồ tiêu sang, giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững. Do có nhiều ưu điểm nên bà con nông dân làm vườn cần mạnh dạn trồng cây lạc dại, giúp cho cây hồ tiêu phát triển tốt, tạo nên một mô hình kinh tế bền vững.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong chương trình thực hành sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các đối tượng về sinh học để phòng hộ sinh thái và che phủ đất là hết sức quan trọng. Trồng cây lạc dại trong vườn hồ tiêu mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, bởi cây lạc dại không hút chất dinh dưỡng và không gây tuyến trùng cho các loại cây ăn trái, cây công nghiệp như nhiều người nghĩ, mà trái lại cây lạc dại cải tạo đất rất tốt, tăng khả năng chống chọi sâu bệnh cho cây hồ tiêu lên nhiều lần. Người dân nên quan tâm đến hệ sinh thái xanh này bởi rễ cây lạc dại tiết ra nhiều axít sinh học làm cho các đối tượng nấm hại trong đất giảm mật độ, giúp vườn hồ tiêu phát triển ổn định.

Sau khi trồng khoảng 1 năm, cây lạc dại đã phát triển xanh tốt, người trồng tiêu có thể cắt rồi ủ vào gốc tiêu để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây hồ tiêu. Đặc tính của cây lạc dại là khi cắt vẫn tiếp tục tái sinh và phát triển bình thường. Mô hình trồng xen lạc dại trong vườn hồ tiêu được xem là mô hình tốt, không chỉ người trồng hồ tiêu, mà người dân phát triển các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh nên áp dụng. Lạc dại mang lại nhiều lợi ích lại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất: bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc, đất cát. Ngoài việc giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, việc trồng lạc dại còn có một số tác dụng khác như tổng hợp chất dinh dưỡng, chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu để cung cấp lại cho cây trồng, cải tạo đất, làm đất tơi xốp hơn.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm