Kinh tế

Nông nghiệp

Mô hình nuôi heo VietGAP đầu tiên của tỉnh gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau gần 2 năm hoạt động, mô hình chăn nuôi heo VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Được (xã Chư Á, TP. Pleiku) bước đầu đã khẳng định được thương hiệu heo sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được thương lái, người dân tin dùng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của thị trường, giá heo thịt xuống thấp nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Để nuôi heo theo chuẩn VietGAP, gia đình ông Nguyễn Văn Được đầu tư chuồng trại chăn nuôi với số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Đàn heo của gia đình ông hiện có  80 heo nái, 100 heo con và 150 heo thịt. Với giá thành như hiện nay, mỗi tháng gia đình ông lỗ khoảng 200 triệu đồng. Ông Được chia sẻ: Nuôi heo theo hướng VietGAP phải đảm bảo được 3 tiêu chí, thứ nhất là an toàn dịch bệnh, thứ hai là không có tồn dư lượng kháng sinh trong heo vượt mức cho phép, thứ ba là không đưa heo bệnh ra ngoài thị trường. Khó khăn nhất của người chăn nuôi bây giờ không phải đầu ra mà về giá cả. Để khắc phục khó khăn đó, cơ sở chăn nuôi của gia đình đã tăng năng suất, chất lượng để khỏi bị thua lỗ. Mô hình VietGAP và mô hình chăn nuôi trước đây khác nhau, heo không có thương hiệu bán ra thị trường khó, tham gia vào tiêu chuẩn VietGAP thì heo xuất bán có thương hiệu, thương lái dễ nhận biết, khách hàng cũng quen dần.

 

Mô hình nuôi heo sạch tại trang trại ông Được xã Chư Á (TP. Pleiku). Ảnh: T.X
Mô hình nuôi heo sạch tại trang trại ông Được xã Chư Á (TP. Pleiku). Ảnh: T.X

Nhằm hỗ trợ gia đình ông Được khắc phục khó khăn, Tập đoàn Thức ăn Gia súc Cargill-Chi nhánh Gia Lai đã áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP với mức giá thành thấp nhất, giảm chi phí cho gia đình, đồng thời vẫn tăng năng suất để gia đình ông duy trì đàn heo. Anh Lê Văn Thành-Kỹ sư chăn nuôi, Tập đoàn Thức ăn Gia súc Cargill-Chi nhánh Gia Lai, cho biết: Trại chăn nuôi của ông Được là mô hình thí điểm đầu tiên ở tỉnh Gia Lai, Công ty đã hỗ trợ thiết kế chuồng trại, con giống, quy trình chăn nuôi làm cho giá thành thấp nhất. Công ty hỗ trợ cho heo ăn đúng quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn, từng con.Với tình hình khó khăn như hiện nay, Công ty hỗ trợ về heo đực, heo nái, chăm sóc theo quy trình và tiêm vắc xin đúng thời điểm để hạ giá thành và đảm bảo heo sạch ra thị trường.

Mô hình nuôi heo VietGAP của gia đình ông Được là mô hình áp dụng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2016, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Dự kiến mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay việc nhân rộng sẽ gặp khó khăn, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Chia sẻ với khó khăn của nông dân, ông Nguyễn Trung Chính-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á, nói: “Mô hình nuôi heo VietGAP của gia đình ông Được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và cho heo ăn đúng quy trình nên mau lớn, ít bệnh, giảm chi phí cho người chăn nuôi. Các cấp cần quan tâm nhân rộng mô hình này cho bà con và định hướng cho người tiêu dùng biết lợi ích từ việc sử dụng heo sạch, không tồn dư các chất kháng sinh. Hiện nay, giá heo xuống thấp nên người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Việc nhân rộng mô hình trên địa bàn do vậy cũng khó khăn. Cùng với sự nỗ lực của gia đình và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, hy vọng thời gian tới, gia đình ông sẽ vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi heo theo hướng VietGAP đạt hiệu quả cao”.

Thanh Xuân

Có thể bạn quan tâm