Mô hình trồng tái canh kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê trong điều kiện không luân canh do Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh (Lâm Đồng) triển khai bước đầu đã thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê, đem lại hiệu quả nhất định.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Lộc
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo bền vững, nên những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Di Linh, Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình cho các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con nâng cao kiến thức nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã thực hiện 5 mô hình trồng tái canh cây cà phê kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ trong điều kiện không luân canh cho một số xã trong huyện. Qua đó, Trung tâm nông nghiệp huyện đã vận động nhân dân trên địa bàn các xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê.
Trong đó, mô hình trồng tái canh kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê trong điều kiện không luân canh ở xã Gia Bắc được triển khai thực hiện liên tục trong 3 năm gần đây và được áp dụng theo quy trình kỹ thuật tái canh của Cục Trồng trọt ban hành. Kết quả, sau 2 năm thực hiện cho thấy, hầu hết cây cà phê đều sinh trưởng tốt, trong số 110 cây, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cây có chiều cao 1,26m, số cây phát triển tốt có 84 cây và chỉ có 11/110 cây phải trồng lại... Do xử lý tốt đất trước khi trồng nên đã hạn chế đáng kể mầm bệnh tuyến trùng và nấm gây hại. Dự báo niên vụ 2018, bình quân cho năng suất từ 2 - 2,5kg nhân/cây.
Gia đình ông K’Blùi ở thôn Bộ Bê, xã Gia Bắc là ví dụ điển hình. Gia đình ông có hơn 1,8ha cà phê được trồng từ năm 1988 nên đã già cỗi và cho năng suất rất thấp, chỉ đạt gần 2 tấn cà phê nhân/ha/năm. Năm 2016, được Trung tâm Nông nghiệp huyện đưa mô hình trồng tái canh cà phê kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê vào thực hiện, ông K’Blùi đã mạnh dạn đăng ký và được hỗ trợ đầu tư mô hình với diện tích 0,1ha, sử dụng giống cà phê robusta dòng TR4.
Ông K’Blùi cho biết, nhờ được trung tâm chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm tái canh cà phê, giờ đây, gia đình ông đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật từ việc làm đất, trồng, bón phân cho đến cách tỉa cành tạo tán, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý tuyến trùng và nấm hại rễ. Với kiến thức có được, thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục từng bước cải tạo số diện tích còn lại để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây.
Hiện nay, cả nước có khoảng 600.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện tại, số diện tích cà phê già cỗi kém năng suất chiếm đến 30%. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi chặt bỏ để trồng mới và chờ được đến ngày thu hoạch được phải mất ít nhất là 3 năm. Vậy, trong thời gian này, nông dân sẽ sống bằng gì khi họ không có thu nhập vẫn là bài toán khó, chưa kể còn vấn đề vốn.
Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh Dương Củi cho biết, rút kinh nghiệm từ mô hình tái canh ở xã phát triển rất mạnh, trung tâm đã tiếp tục thực hiện ở xã như Sơn Điều, Gia Bắc để bà con ý thức được chương trình tái canh và hiệu quả mà nó mang lại, từ đó tự giác tái canh ngày càng mạnh hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, việc tái canh không hề đơn giản khi nguồn lực có hạn, kỹ thuật, cây giống và đặc biệt, vấn đề thiếu vốn là một bài toán nan giải cho nhiều hộ dân. Do đó, theo ông Nghĩa, đối với những vườn cà phê chưa đến mức tái canh thì phải trẻ hóa, mà muốn trẻ hoá phải tăng cường vệ sinh cho đất, sau đó cưa đi rồi mới trẻ hóa bộ phận trên. Đồng thời, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp người dân tiếp cận với những quy trình kỹ thuật tái canh, huyện Di Linh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tái canh, cải tạo hiệu quả những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng.
Văn Liên (Biên phòng)