Kinh tế

Nông nghiệp

Mô hình trồng cây dược liệu ở Pờ Tó: Nguy cơ thất bại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng cây đinh lăng với diện tích 4,4 ha ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đang đứng trước nguy cơ thất bại. Phần lớn diện tích cây đinh lăng đã bị chết. Gần 2 tỷ đồng ngân sách nhà nước và của nhân dân đang bay theo mây khói.
Dịch bệnh phá hủy vườn cây
Theo ông Tô Văn Hữu-Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa: Để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tháng 3-2018, UBND huyện đã phê duyệt phương án triển khai mô hình trồng cây đinh lăng trên địa bàn. Mô hình có diện tích 5 ha với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 1,39 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 670 triệu đồng) được giao cho Trạm Khuyến nông huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đề xuất của các phòng, ban chuyên môn, UBND huyện Ia Pa đã phê duyệt dự toán gói thầu mua cây giống đinh lăng là 1,36 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã trúng thầu cung ứng 200.000 cây giống với tổng số tiền 1,355 tỷ đồng (6.775 đồng/cây).
Theo kế hoạch, mô hình được triển khai trong 3 năm và có 5 hộ tham gia với diện tích 5 ha tại làng Bi Giông (xã Pờ Tó). Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến (xã Pờ Tó) để thực hiện. Hợp tác xã Tân Tiến cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, tỷ lệ cây sống sau 30 ngày xuống giống. Trường hợp cây chết do thiếu trách nhiệm thì HTX Tân Tiến phải bồi hoàn 100% kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ, hoàn trả 30% lượng cây giống đã hỗ trợ (hình thức thu hồi bằng giống hoặc tiền).
Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, mô hình này được triển khai từ tháng 8-2018, nhưng đến cuối tháng 9-2018, HTX mới trồng được 4,4 ha/5 ha đã đăng ký. Còn lại 0,6 ha, HTX Tân Tiến cũng chuẩn bị xong khâu làm đất và hệ thống tưới. Tuy nhiên, gặp thời tiết nắng nóng không thể xuống giống nên HTX Tân Tiến và đơn vị cung ứng giống đề nghị và được UBND huyện Ia Pa cho phép ký gửi số cây giống đinh lăng còn lại (24.000 cây) tại vườn ươm của Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi để chăm sóc, đợi đến mùa mưa năm 2019 sẽ trồng tiếp.
Cây đinh lăng ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) bị bệnh thối rễ chết hàng loạt. Ảnh: Phạm Ngọc
Cây đinh lăng ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) bị bệnh thối rễ chết hàng loạt. Ảnh: Phạm Ngọc
Sau gần 8 tháng xuống giống, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4-2019, vườn cây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu sâu bệnh như: vàng lá, héo rũ, thối rễ... Khi phát hiện sự việc, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mời Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi xuống hướng dẫn xử lý bệnh, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phối hợp kiểm tra, tìm cách cứu chữa.
Sau 3 tháng xử lý nhưng không thành công, UBND huyện có văn bản đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ kiểm tra và xác định nguyên nhân dịch bệnh. Qua kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, triệu chứng của vườn đinh lăng tại Ia Pa gần giống với bệnh chết héo do nấm Phytophthora sp gây ra. Đây là bệnh gây hại phổ biến trên các loại cây trồng tại Việt Nam.
Ngân sách có thất thoát?
Sau khi xử lý dịch bệnh không hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và HTX Tân Tiến đã có văn bản đề nghị UBND huyện cho phép bứng số cây đinh lăng có tỷ lệ sống 10% trên diện tích 2,9 ha trồng dồn lại còn l,5 ha. Tuy nhiên, khi chưa có văn bản cho phép của UBND huyện, HTX Tân Tiến đã tiến hành cày l,5 ha/2,9 ha để chuyển sang trồng mía.
Lý giải về việc này, bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc HTX Tân Tiến-cho rằng: Số vốn bỏ ra đầu tư không nhỏ, nhưng sau hơn 1 năm triển khai trồng mà kết quả không đạt như mong muốn, vườn cây bị dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hợp tác xã đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo UBND huyện xin chuyển 1,5 ha này sang trồng mía. Phần diện tích trên đang hoàn toàn để trống do số cây đinh lăng đã bị chết. Qua nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan nhưng chưa đi đến quyết định chính thức, trong khi đó đến mùa vụ trồng mía, nếu không làm thì đất cũng để trống, người dân lại tiếp tục thất thu thêm 1 năm nữa.
Vườn đinh lăng ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) phát triển tốt trước khi bị sâu bệnh phá hủy. Ảnh: Phạm Ngọc
Vườn đinh lăng ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) phát triển tốt trước khi bị sâu bệnh phá hủy. Ảnh: Phạm Ngọc
Ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Ia Pa-cho hay: Đối với gần l,5 ha đinh lăng còn lại tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ cây sống chỉ còn khoảng 30%. Theo phương án đề xuất của HTX Tân Tiến và ý kiến của các cơ quan chuyên môn, UBND huyện đã đồng ý cho HTX Tân Tiến xử lý đất, trồng lại l,5 ha đinh lăng.
Cụ thể: HTX Tân Tiến bứng toàn bộ số cây đinh lăng còn lại và tiến hành xử lý đất, chọn những cành đủ tiêu chuẩn để nhân giống. Đồng thời, tiến hành trồng xen gấc làm giàn che bóng mát và trồng lại 1,5 ha đinh lăng để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn kinh phí xử lý trồng lại do HTX Tân Tiến chịu trách nhiệm.
Trao đổi với P.V, ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Ngày 21-4-2020, UBND huyện đã ban hành quyết định về việc thanh tra sử dụng các nguồn kinh phí (trong giai đoạn 2017-2019) để triển khai mô hình, dự án tại Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Trên cơ sở kiểm tra thực trạng vườn đinh lăng tại làng Bi Giông, đoàn thanh tra kết luận Trạm Khuyến nông (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) tổ chức đấu thầu đúng theo quy định. Chưa phát hiện dấu hiệu thông thầu làm phát sinh tăng thêm giá cây giống sau đấu thầu. Giá trúng thầu thấp hơn so với giá dự toán và thấp hơn so với giá thẩm định cây giống của Công ty cổ phần Thẩm định giá EXIMVAS.
Đồng thời, qua kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện, xác định nguyên nhân dẫn đến mô hình không hiệu quả, thống nhất ý kiến từ các cơ quan chuyên môn, kết luận thanh tra, UBND huyện đã đề xuất Thường trực Huyện ủy xem xét không yêu cầu bồi thường và không thu hồi 30% giá trị cây giống đối với HTX Tân Tiến.
“Ủy ban nhân dân huyện đã có báo cáo về quá trình tổ chức thực hiện mô hình trồng cây đinh lăng trong thời gian qua gửi UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo”-ông Tuấn thông tin thêm.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm