Du lịch

Hành trang lữ hành

Mở lối cho du lịch cộng đồng - Kỳ 2: Nhiều khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiềm năng du lịch cộng đồng ở nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai tại các địa phương trong tỉnh đã rõ, thế nhưng làm gì để khai thác tiềm năng này vẫn là bài toán nan giải. Một số nơi người dân còn mơ hồ về cách làm du lịch, đồng thời loay hoay do thiếu tài lực, kiến thức, kinh nghiệm cùng những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Thiếu thốn đủ bề
Chúng tôi ghé thăm homestay của chị Nhàng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) vào một ngày mưa lạnh. Giữa bốn bề núi rừng Kon Chư Răng, những nóc nhà sàn nhỏ nhắn lọt thỏm đem lại cảm giác bình yên nhưng cũng gợi nỗi cô đơn khó tả. Chủ nhân của các nóc nhà sàn ấy là cô gái 27 tuổi, nhỏ nhắn, gầy gò. Chị Nhàng từng là nhân viên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu, chị trở về mang theo quyết tâm làm du lịch. Bước khởi đầu của chị  là làm homestay-nơi lưu trú cho du khách từ xa đến muốn trải nghiệm cuộc sống tại làng, trải nghiệm môi trường rừng.
 Mái nhà rông cổ kính làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) khiến cho ngôi làng mang nét nguyên sơ, yên bình, thu hút du khách. Ảnh: P.L
Mái nhà rông cổ kính làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) khiến cho ngôi làng mang nét nguyên sơ, yên bình, thu hút du khách. Ảnh: P.L
Thế nhưng, ngay từ khi bắt tay vào khởi công, chị Nhàng đã gặp rất nhiều khó khăn. Vốn đầu tư làm homestay chị đều phải đi vay mượn. Số tiền 30 triệu đồng do địa phương hỗ trợ không đủ để chị trang trải chi phí vật liệu, công xây dựng. Xóc đứa con nhỏ đang địu trên lưng, chị Nhàng khẽ nói: “Lúc làm nhà may mà thanh niên, dân làng đến giúp nên tiết kiệm được công xây dựng. Nhưng kinh phí để đầu tư ti vi, chăn, màn và làm khu vệ sinh khá tốn kém. Trong khi chỗ của mình chưa có nhiều khách biết đến nên không có đồng ra đồng vào. Bây giờ, mình lo lắm vì không biết phải kiếm đâu ra tiền để đầu tư cho hoàn chỉnh”. Không chỉ khó về vốn, chị  còn chưa định hình các món ẩm thực đặc sắc cũng như dịch vụ đi kèm khi khách có nhu cầu. Tất cả vẫn còn đang khá sơ sài.
Thiếu vốn như trường hợp của chị Nhàng không phải là cá biệt, bởi lâu nay bà con người dân tộc thiểu số chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập còn hạn chế. Tại các ngôi làng được định hướng phát triển du lịch cộng đồng như: Kon Pơ Dram, Kon Mahar (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ)… cuộc sống của người dân còn khá khó khăn. Với điều kiện như vậy, người dân sao dám nghĩ đến việc làm du lịch-ngành nghề đòi hỏi có sự đầu tư nhất định. Thậm chí, ở các ngôi làng đã có những bước đi đầu tiên trong du lịch cộng đồng như: làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) hay Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), bà con vẫn còn khá dè dặt trong việc bỏ vốn đầu tư cơ sở lưu trú hoặc mở thêm các dịch vụ du lịch. Ông Djưng-một người dân làng Đê Kjiêng-rất vui mừng khi làng được định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Ông dự định dành ngôi nhà sàn nằm trên trục đường dẫn vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để đón du khách đến lưu trú, mọi người trong làng thì phục vụ ẩm thực, văn nghệ, đưa khách đi tham quan làng, khám phá rừng Kon Ka Kinh. “Nhà sàn cho khách ngủ thì tốt rồi nhưng còn phải đầu tư thêm chăn màn, ti vi và xây nhà tắm, nhà vệ sinh. Kinh phí lớn quá mà không biết bao giờ mới thu lại được nên mình vẫn cứ đắn đo”-ông Djưng tâm sự.
Cũng không thể không kể đến sự xáo trộn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày khi làng bắt tay vào làm du lịch, khiến bà con đôi phần lúng túng trong khâu tổ chức, sắp xếp một cách bài bản. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm mà một số ngôi làng đã loay hoay rồi... bỏ cuộc. Ví như làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah)-ngôi làng Jrai từng mang nhiều kỳ vọng phát triển du lịch nhưng đến giờ vẫn không có nhiều thay đổi. Bà con ban đầu rất háo hức với kế hoạch du lịch được định hướng. Song những lượt khách thưa thớt chợt đến vội đi không đủ để bà con mặn mà giới thiệu sản phẩm thổ cẩm, đan lát hay ẩm thực. Mọi người quay trở lại với việc đồng áng, khách thỉnh thoảng vẫn ghé qua làng nhưng chỉ dạo quanh ngắm nhà sàn, khu nhà mồ rồi lại lên xe đi mất. Làng trở thành điểm dừng chân vội vàng trên hành trình của du khách.
Tương tự là làng Hway. Nằm sát quốc lộ 19, làng như một bức tranh với nhà rông tựa lưng vào  núi cao, những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau tán cây xanh. Làng được đầu tư nhà rông văn hóa, nhà dệt thổ cẩm nhưng không phát huy hiệu quả hoặc được sử dụng vào mục đích khác. Và rồi Hway dần bị lãng quên như chưa từng được biết tới trước đó.
Sản phẩm thiếu tính “độc quyền”
Tính đa dạng, đặc trưng của sản phẩm du lịch là điều níu giữ du khách ở lại lâu hay mau, khả năng chi tiêu của họ nhiều hay ít trong thời gian tham quan các điểm du lịch. Dù có nhiều nỗ lực song du lịch cộng đồng ở Gia Lai vẫn chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, “độc quyền” để lôi cuốn du khách.
Kinh tế khó khăn là một trở ngại cho bà con mạnh dạn làm du lịch. Ảnh: P.L
Kinh tế khó khăn là một trở ngại cho bà con mạnh dạn làm du lịch. Ảnh: P.L
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Để định hướng cho cộng đồng làm du lịch, cần phải xác định xem các buôn, làng đó có hội tụ những điều kiện cần thiết để hình thành dịch vụ hay không. Nhu cầu của khách du lịch bao gồm tham quan, giải trí, lưu trú, ăn uống, mua sắm; đặc biệt, với loại hình du lịch cộng đồng, du khách luôn muốn trải nghiệm về văn hóa trong thời gian lưu trú tại buôn, làng. Vì vậy, cần cân nhắc các yếu tố đặc trưng về văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên, khả năng đầu tư homestay cùng các dịch vụ đi kèm cũng như khả năng liên kết với các điểm du lịch khác. Trong xu hướng phát triển du lịch cộng đồng hiện nay của Việt Nam, phương thức liên doanh giữa tư nhân và cộng đồng để cùng xây dựng kế hoạch và hình thành mô hình cũng là một hướng đi hiệu quả”.
Điểm trưng bày và bán sản phẩm truyền thống của làng Mơ Hra có rất nhiều sản phẩm như váy áo, khăn, túi xách, móc khóa hay các sản phẩm đan lát tinh tế, đẹp mắt. Du khách đến thăm làng còn được uống rượu ghè, xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang; ăn cơm lam, gà nướng, lá mì, đọt mây, cà đắng… Thế nhưng, du khách cũng có thể được trải nghiệm những dịch vụ như trên tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), xem và mua sản phẩm thổ cẩm tương tự tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Glar (xã Glar, huyện Đak Đoa) hay xem cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực tại làng văn hóa du lịch Plei Ốp. Tại Hội thảo xúc tiến tour du lịch cộng đồng làng Mơ Hra vừa qua, bà Trương Nữ Ngọc Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) bày tỏ: “Hầu hết các điểm đến ở đây đều chỉ hoạt động riêng lẻ mà quên mất rằng khách du lịch thường theo một hành trình kéo dài và mong muốn trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt ở các điểm đến khác nhau thay vì những sản phẩm lặp đi lặp lại. Điều này khiến du khách không đủ quyến luyến để quay trở lại lần nữa”.         
Nhiều lần đến Gia Lai để khảo sát loại hình du lịch độc đáo này, ông Phạm Hải Quỳnh-Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam-cũng cho rằng: “Dù có nhiều tiềm năng du lịch cộng đồng nhưng sản phẩm du lịch tại các ngôi làng ở Gia Lai vẫn còn dàn trải, chưa tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm. Khi đưa du khách cùng lên nương lao động, trồng trỉa, thu hoạch nông sản, bà con vừa có thêm công lao động, vừa có thu nhập từ hoạt động hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống. Đây là cách làm bền vững mà du lịch cộng đồng nên hướng tới”. Ngoài ra, người dân cũng chưa hình thành các dịch vụ đi kèm như hàng quán, điểm bán quà lưu niệm, cho thuê phương tiện, dịch vụ đưa đón khách. Vì lẽ đó, mức chi tiêu của du khách rất thấp mỗi khi đến tham quan tại các điểm làng.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm