Kinh tế

Mở ra giai đoạn hợp tác phát triển mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ chuyển giao cho Gia Lai; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế; khảo sát phát triển du lịch cho địa phương; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh để kết nối doanh nghiệp đầu tư… Đây là những điều kiện giúp Gia Lai có thêm nguồn lực mới để phát triển bền vững trong tương lai.

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2003-2016) diễn ra sáng 18-4 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều sở, ngành của địa phương này cam kết sẽ có chương trình hợp tác cụ thể với tỉnh Gia Lai trên nhiều lĩnh vực. Giải pháp này làm cho chương trình hợp tác giữa 2 địa phương đạt hiệu quả thiết thực hơn.

 

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2017-2020. Ảnh: M.T
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2017-2020. Ảnh: M.T

Những kết quả bước đầu

Ông Nguyễn Thành Phong-Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định: Gia Lai có nhiều thuận lợi về khí hậu, đất đai để phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Lợi thế về tài nguyên nông-lâm nghiệp, khoáng sản giúp tỉnh có nhiều triển vọng phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông-lâm sản, phát triển chăn nuôi, du lịch…

Do vậy, năm 2003, trên cơ sở đánh giá vị trí, mối quan hệ gắn kết lâu bền và tiềm năng phát triển, lãnh đạo 2 địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, qua 14 năm thực hiện kế hoạch hợp tác, có 23 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai đã triển khai 35 dự án đầu tư trên địa bàn của 2 địa phương với tổng vốn đăng ký lên đến 17.752 tỷ đồng. Trong đó, 20 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai 21 dự án đầu tư tại Gia Lai với tổng vốn đăng ký 1.740 tỷ đồng trên các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, bán lẻ, khai thác khoáng sản. Tương tự, Gia Lai cũng có 3 doanh nghiệp đã và đang triển khai 18 dự án đầu tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký 16.012 tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực cao ốc, văn phòng và căn hộ.

Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh được tỉnh Gia Lai tạo điều kiện giao đất ở nhiều vị trí, địa điểm thuận lợi để triển khai dự án. Bước đầu, các dự án này ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư còn góp phần chuyển dịch kinh tế, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Gia Lai, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Ngoài ra, thông qua các kênh đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo 2 địa phương chỉ đạo các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp triển khai đầu tư thuận lợi hơn.

“Chúng tôi luôn quan tâm và ủng hộ việc triển khai thực hiện các chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước, đặt biệt là phát triển mối quan hệ hợp tác với tỉnh Gia Lai. Chúng tôi luôn khuyến khích, kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại TP. Hồ Chí Minh tiếp cận các tiềm năng kinh tế của Gia Lai, nhất là lĩnh vực mà tỉnh kêu gọi đầu tư”-Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

 

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tham quan mô hình sản xuất cà chua bi. Ảnh: M.T
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tham quan mô hình sản xuất cà chua bi. Ảnh: M.T

Nhiều đề xuất cho Gia Lai phát triển

Theo ông Dương Hoa Xô-Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh: Gia Lai có tiềm năng cực kỳ lớn để phát triển vùng nguyên liệu, trong khi đó TP. Hồ Chí Minh là thị trường rất lớn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển giữa 2 bên. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh sẽ đề xuất hướng hỗ trợ chuyển giao cho Gia Lai nhiều ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm an toàn, phát triển theo quy trình VietGAP.

“Một khi xác định được điều này, chúng ta phải làm lại quy trình từ đầu. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao ứng dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sắp tới, Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh có thể hợp tác phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chế biến, tiêu thụ. Muốn vậy, lãnh đạo 2 địa phương sớm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai”-ông Xô quả quyết.

Trên lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Tấn Bỉnh-Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Nguồn nhân lực y-bác sĩ là yếu tố quan trọng nhất để phát triển lâu dài. Trong khi đó, Gia Lai mỗi năm có khoảng 30 đến 40 bác sĩ tốt nghiệp từ Trường Đại học Tây Nguyên và Huế, các trường tại TP. Hồ Chí Minh thì hầu như không có. “Trước mắt, ngành Y tế Gia Lai nên tuyển một đội ngũ y-bác sĩ đưa xuống TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo ngắn hạn khoảng 1 năm, sau đó quay về Gia Lai cùng với đội ngũ các bác sĩ của TP. Hồ Chí Minh xuống hỗ trợ trực tiếp tại chỗ ở các địa phương. Có như vậy mới phát triển nguồn nhân lực lâu dài”-ông Bỉnh đề xuất.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, một hướng phát triển nguồn nhân lực hiện nay là các bác sĩ sau khi ra trường không về cơ sở ngay mà nên được đào tạo chuyên khoa, thực hành tại các bệnh viện lớn. “Sau một vài năm, chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực dồi dào, lâu dài cho Gia Lai. Đây là mô hình chúng tôi rất tâm đắc và sắp tới sẽ triển khai rộng rãi ở một số tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Gia Lai”-ông Bỉnh nói. Ngoài ra, ông Phạm Thiết Hòa-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương Gia Lai có giải pháp cụ thể, chiến lược quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai đối với các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ bắt tay ngay việc đưa các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh lên Gia Lai khảo sát đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng đến loại hình du lịch sinh thái, lịch sử và du lịch cộng đồng. Lãnh đạo Khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết sẽ giúp Gia Lai đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công tác quản lý, hỗ trợ sản xuất các loại giống cung cấp cho địa phương.

 

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh đã tiếp tục ký các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 địa phương giai đoạn 2017-2020 trên các lĩnh vực như: xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; nông nghiệp-công nghiệp; quy hoạch-kế hoạch; du lịch; y tế-giáo dục; khoa học-công nghệ; thông tin và truyền thông...

Sau khi nghe đại diện các sở ngành nêu giải pháp, thay mặt đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cảm ơn những gợi ý, đề xuất của các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh đối với một số lĩnh vực có thể hợp tác trong tương lai. Trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tập trung giúp Gia Lai phát triển du lịch sinh thái rừng, thác; du lịch văn hóa cộng đồng và lịch sử. Đề nghị TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ Gia Lai phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản chuyên sâu.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng cho rằng: Gia Lai giàu tiềm năng du lịch nhưng kết quả hợp tác phát triển ở lĩnh vực này lâu nay chưa đạt được như kỳ vọng. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành của 2 địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là nhanh chóng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối du lịch, phát triển kinh tế vùng theo kiểu hợp tác cả 2 chiều. Đồng thời rà soát các cơ chế chính sách đầu tư của 2 tỉnh. “Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. Hồ Chí Minh có chính sách gì hỗ trợ, đầu tư xây dựng, phát triển cho Tây Nguyên không để họ tự bơi; thành lập tổ công tác, từng sở, ngành của 2 địa phương phải tìm thế mạnh riêng để hợp tác đi vào chuyên sâu, hiệu quả và có chiều sâu”-Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm