Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Mở rộng đường vào dự án của Công ty DHN Gia Lai vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 15 hộ dân có đất sản xuất tại thôn 6 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) chưa đồng ý với mức giá hỗ trợ, đền bù tài sản để thi công mở rộng tuyến đường dẫn từ quốc lộ 14 vào khu trang trại chăn nuôi mà Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai (gọi tắt là Công ty DHN Gia Lai) đưa ra. Hiện tại, các cấp chính quyền huyện Chư Pưh phối hợp với doanh nghiệp tìm giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
Công ty DHN Gia Lai được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư Dự án khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại thôn 6, xã Ia Le. Theo đó, mục tiêu của dự án là chăn nuôi, sản xuất heo giống kết hợp trồng rừng trên diện tích đất dự kiến sử dụng là 534.762,2 m2. Diện tích đất này được UBND tỉnh thu hồi từ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh (do vi phạm pháp luật về đất đai) và giao cho UBND huyện Chư Pưh quản lý.
Sau khi được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, Công ty DHN Gia Lai tiến hành khảo sát, giải phóng mặt bằng để thi công mở rộng con đường dân sinh có chiều dài khoảng 2,3 km từ quốc lộ 14 dẫn vào khu trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, Công ty DHN Gia Lai và 15/20 hộ dân ở huyện Chư Pưh, TP. Pleiku đang canh tác trên diện tích đất nằm 2 bên con đường vào dự án chưa tìm được tiếng nói chung về mức giá hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến nguy cơ việc thi công dự án chậm tiến độ.
Con đường dân sinh từ quốc lộ 14 dẫn vào khu trang trại chăn nuôi của Công ty DHN Gia Lai. Ảnh: Thiên Di
Con đường dân sinh từ quốc lộ 14 dẫn vào khu trang trại chăn nuôi của Công ty DHN Gia Lai. Ảnh: Thiên Di
Theo ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le: Con đường dân sinh này đã có từ rất lâu rồi nhưng khó đi. Công ty DHN Gia Lai thi công mở rộng, thảm nhựa và làm cầu bê tông để thuận tiện cho việc thực hiện dự án cũng như hoạt động sản xuất sau này. Diện tích đất dọc 2 bên đường mà người dân đang canh tác nông nghiệp chủ yếu là xâm lấn trái phép. Trước đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh không quản lý tốt diện tích đất được giao. Vì vậy, Công ty DHN Gia Lai không có cơ sở để đền bù đất đai mà chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, dọn dẹp mặt bằng với kinh phí khoảng 140 triệu đồng/20 hộ. Huyện và xã đã nhiều lần tổ chức đối thoại để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, hiện mới có 5 hộ nhận tiền hỗ trợ, còn 15 hộ chưa đồng ý vì cho rằng mức giá hỗ trợ thấp.
Để có thông tin khách quan, chúng tôi cùng với ông Huỳnh Ngọc Giao-công chức Địa chính-Xây dựng xã Ia Le đến gặp một số hộ dân có diện tích đất ở 2 bên con đường vào dự án chăn nuôi của Công ty DHN Gia Lai. Trao đổi với chúng tôi, phần đa người dân đồng tình khi UBND tỉnh cấp phép cho dự án nói trên. Anh Nguyễn Hữu Cường (thôn 6, xã Ia Le) chia sẻ: “Tôi nhận thấy dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Vậy nên, khi Công ty thương thảo mức giá bồi thường để giải phóng mặt bằng thi công con đường, gia đình tôi đồng ý và đã nhận 11 triệu đồng”.
Ở chiều ngược lại, một vài hộ dân chưa thống nhất với mức bồi thường, hỗ trợ mà Công ty DHN Gia Lai đưa ra. Anh Trần Văn Bắc (thôn 6, xã Ia Le) nói: Tôi ủng hộ dự án này nhưng phải làm sao cho thỏa đáng, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên. Đáng ra, trong các cuộc đối thoại giữa dân với chính quyền, doanh nghiệp cũng nên có mặt để thương thảo giá cả hỗ trợ, bồi thường. Chẳng hạn như người dân đề nghị đền bù 400 ngàn đồng/m đất thì phía Công ty đưa ra mức giá 100 ngàn đồng để thương lượng nhằm tìm ra mức phù hợp nhất. Ngoài ra, Công ty cũng phải làm việc với người dân để thống nhất khi đi vào hoạt động phải cho bà con đi vào khu sản xuất trên con đường đó.
Nhiều hộ dân chưa đồng ý mức hỗ trợ cây cối trồng trên đất, bồi thường dọn dẹp mặt bằng. Ảnh: Thiên Di
Nhiều hộ dân chưa đồng ý mức hỗ trợ cây trồng trên đất, bồi thường dọn dẹp mặt bằng. Ảnh: Thiên Di
Còn chị Đoàn Thị Xí (thôn Hòa Phú, xã Ia Le) thì cho hay: “Cá nhân tôi đã nhiều lần hỗ trợ Công ty DHN Gia Lai và chính quyền địa phương khi triển khai dự án. Khi Công ty muốn gặp 20 hộ dân để chốt mức giá bồi thường làm đường, tôi kết nối giúp, thậm chí không tính toán đến phần tiền đất ở trong đó của mình được đền bù. Tuy nhiên, sau này, Công ty lấy cớ là đất rừng dân xâm lấn, hạ mức giá đền bù xuống thấp, gây mất uy tín với các hộ còn lại nên tôi bức xúc. Do đó, tới đây, nếu Công ty đền bù thỏa đáng thì làm đường ở phần đất của tôi, còn không thì thôi. Tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền huyện Chư Pưh chỉ làm vai trò trọng tài trong việc thỏa thuận mức giá đền bù phù hợp giữa Công ty DHN với người dân, sao cho bà con được hưởng lợi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Duy Biên-Tổng Giám đốc Công ty DHN Gia Lai-cho biết: “Đơn vị tự bỏ kinh phí mở rộng tuyến đường dân sinh từ quốc lộ 14 dẫn vào khu trang trại với mong muốn phục vụ hiệu quả hoạt động thi công, sản xuất và để người dân đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Công ty đã khảo sát, đưa ra mức bồi thường theo quy định của tỉnh và hỗ trợ thêm 150% đối với các loại cây trồng trên đất, nhưng nhiều hộ dân đòi hỏi mức hỗ trợ, bồi thường dọn dẹp mặt bằng quá cao. Chúng tôi nhất quán quan điểm là đôi bên cùng có lợi khi triển khai dự án chứ không để phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất sau này. Vì thế, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương thương lượng với những hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ để thống nhất mức giá phù hợp”.
Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết thêm: Qua làm việc, phía Công ty DHN Gia Lai đề nghị huyện chưa áp dụng các biện pháp mạnh như cưỡng chế, giải tỏa mà tiếp tục thương thảo với các hộ dân. Xã đang tập trung tuyên truyền, vận động 15 hộ dân còn lại nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để thi công. Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã Ia Le cũng đã thành lập 1 tổ để ngày 14-5 bảo vệ lễ động thổ trang trại, tránh xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm