Kinh tế

Nông nghiệp

Mở rộng liên kết trồng dâu nuôi tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau thành công bước đầu, bà con nông dân một số địa phương trong tỉnh Gia Lai tiếp tục liên kết phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm có độ rủi ro thấp, mức đầu tư ít, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nên rất phù hợp triển khai ở quy mô hộ gia đình.

Mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm

Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cũng như kết quả ban đầu mang lại, UBND huyện Chư Sê đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, trong đó chú trọng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều hợp tác xã, nông hội, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm liên kết hỗ trợ 350 hộ dân trồng gần 240 ha dâu tằm. Sản lượng kén tằm năm 2023 đạt hơn 450 tấn, được các cơ sở chế biến đánh giá cao và thu mua hết.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Các hợp tác xã nông nghiệp, nông hội và tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm đã tích cực hỗ trợ bà con lựa chọn cây-con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Các bên đều có lợi nên bà con phấn khởi tham gia”.

Được tập huấn những kiến thức khoa học kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm và được hỗ trợ liên kết làm ăn với doanh nghiệp, gia đình ông Nguyễn Văn Tiên (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Kết quả, năm 2022, gia đình thu về hơn 350 triệu đồng; năm nay thu về hơn 400 triệu đồng. Gia đình ông mới đầu tư trồng thêm 5 sào dâu để nuôi tằm.

Bà Vũ Thị Vi (vợ ông Tiên) bộc bạch: “Trồng dâu nuôi tằm vốn đầu tư ban đầu không lớn như các loại cây công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại ổn định. Vì vậy, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong khu vực đầu tư mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm”.

Ông Đỗ Xuân Lương (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) tưới nước cho vườn dâu của gia đình. Ảnh: H.C

Ông Đỗ Xuân Lương (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) tưới nước cho vườn dâu của gia đình. Ảnh: H.C

Những năm qua, huyện Ia Grai quan tâm chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Năm 2019, huyện triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô ban đầu gần 15 ha tại các xã: Ia Bă, Ia Hrung, Ia Grăng, Ia Pếch. Vạn sự khởi đầu nan, nhiều hộ nông dân kiên trì vừa học vừa làm, vượt qua khó khăn, thích ứng với hoàn cảnh để gắn bó với cây dâu, con tằm. Giá kén mấy năm gần đây dao động ở mức 170-190 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên hơn 200 ngàn đồng/kg giúp bà con nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Đến nay, toàn huyện đã có hơn 130 hộ canh tác trên 100 ha dâu để nuôi tằm. Ông Đỗ Xuân Lương-Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Ia Hrung-cho biết: “Thời gian đầu, nhiều hộ chưa quen công việc nên hiệu quả chưa cao. Không nản chí, bà con học hỏi kinh nghiệm, áp dụng thành thạo các kỹ thuật tiên tiến, đưa hiệu quả kinh tế trồng dâu nuôi tằm cao gấp 2-3 lần so với nhiều loại cây hoa màu truyền thống”.

Khuyến khích xây dựng nhà máy ươm tơ

Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha dâu, trong đó, huyện Chư Sê gần 240 ha, huyện Ia Grai hơn 100 ha, huyện Đak Đoa 100 ha, huyện Chư Pưh 25 ha, huyện Chư Prông 23 ha.

Ông Trần Ngọc Minh-Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Ia Pếch, Chủ đại lý kén tằm Minh Dung (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) khẳng định: Chất lượng dâu, con tằm, kén tằm… không thua kém “thủ phủ” dâu tằm tơ Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Các doanh nghiệp ở Lâm Đồng phối hợp với cơ sở của ông đặt hàng thu mua sản phẩm tơ tằm ở Gia Lai, rồi chở sang Lâm Đồng chế biến.

Người dân đến học hỏi kinh nghiệm nuôi tằm của ông Đinh Lai, ở làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư

Người dân đến học hỏi kinh nghiệm nuôi tằm của ông Đinh Lai, ở làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư

Không chỉ đại lý kén tằm Minh Dung, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), Công ty TNHH Tơ tằm Ba Minh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), Công ty TNHH Tằm tơ Minh Tuyết (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)… cũng triển khai kế hoạch mở rộng hợp tác, liên kết với các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân ký kết hợp đồng trồng dâu nuôi tằm.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Gia Lai là rất lớn. Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng dâu nuôi tằm, chế biến các sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy ươm tơ không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà còn để xuất khẩu, tăng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hơn nữa các giá trị sản phẩm dâu tằm tơ”.

Có thể bạn quan tâm