Kinh tế

Giá cả thị trường

Mở rộng thị trường giải pháp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là định hướng của tỉnh nhằm thực hiện chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Đây cũng là hoạt động quan trọng theo Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ Công thương về việc tìm thị trường thay thế cho thị trường Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình dịch nCoV đang diễn biến phức tạp.
Theo thông tin từ Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong tháng 1-2020 đạt 60 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: “Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng là do giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su... đang phục hồi và tăng dần vào các tháng cuối năm 2019 đến nay”. Cụ thể, giá cà phê xuất khẩu hiện dao động trong khoảng 1.500-1.600 USD/tấn, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019. Giá cao su xuất khẩu cũng tăng nhẹ trong tháng 11 và 12-2019, tăng mạnh vào đầu tháng 1-2020 đến nay, dao động khoảng 1.600-1.620 USD/tấn... Bên cạnh đó, Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đi vào hoạt động từ những tháng cuối năm 2019 đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
 Dây chuyền sản xuất nước hoa quả của Tập đoàn Trường Sinh. Ảnh: K.L
Dây chuyền sản xuất nước hoa quả của Tập đoàn Trường Sinh. Ảnh: K.L
Sự khả quan về giá khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trong tháng 1-2020 cũng tăng lên. Cụ thể, với mặt hàng cà phê, trong tháng 1 xuất khẩu được 28.000 tấn/45 triệu USD, tăng 3,7% về lượng, tăng 7,14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng cao su xuất khẩu cũng tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019 khi đã thực hiện được 300 tấn/0,5 triệu USD, tăng 30,43% về lượng, tăng 42,86% về giá trị. Các mặt hàng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đáng mừng nữa là các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều trước tình hình dịch nCoV do chỉ một lượng nhỏ được xuất qua thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương-lý giải: “Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu theo mùa vụ, quy mô không lớn; kim ngạch xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch toàn tỉnh, chủ yếu là trái cây, mì lát... Hiện tại, một số nhà máy chế biến trái cây như của Công ty Đồng Giao, Tập đoàn Trường Sinh có thể thu mua các sản phẩm này của nông dân để giảm sự ảnh hưởng xuống mức tối thiểu. Điều đó cho thấy, dịch bệnh thời điểm này không ảnh hưởng quá lớn tới tình hình xuất khẩu của tỉnh”.
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 630 triệu USD (năm 2019 là 500 triệu USD). Đây là chỉ tiêu khá cao trong tình hình giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh chỉ tăng nhẹ. Do vậy, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Lực thông tin: “Tuy xuất khẩu của tỉnh không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhưng việc mở rộng thêm thị trường là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo cho xuất khẩu hàng hóa và doanh nghiệp cũng yên tâm sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng tìm đầu ra, hỗ trợ cho người dân”.
Cùng với tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Sở Công thương sẽ triển khai Kế hoạch 271-KH/TU của Tỉnh ủy về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, riêng trong tháng 2, Sở sẽ theo dõi, báo cáo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoạt động thương mại biên giới... Sở căn cứ vào đó để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn hoặc có những định hướng cần thiết.
 KIM LINH

Có thể bạn quan tâm