(GLO)- Là kỹ thuật chơi đàn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, càng khó hơn khi chưa có người dạy, nhưng fingerstyle đã nhanh chóng trở thành trào lưu được nhiều bạn trẻ mê guitar theo đuổi.
Đình Quang và Tiến Công, 2 bạn trẻ trót mê fingerstyle. Ảnh: Đức Thụy |
“Từ ngày biết đến phong cách guitar fingerstyle, thú vui giải trí của em đã chuyển hẳn từ chơi games sang tập đàn”-em Nguyễn Lê Tiến Công-học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku), nói về sở thích của mình với “thần tượng” là thần đồng guitar Hàn Quốc Sungha Jung.
Do chưa có trường lớp nào dạy fingerstyle (FS) nên các bạn trẻ yêu thích phong cách này chủ yếu học theo phương pháp “truyền tay” và qua các video trên mạng. Những cái tên là đại diện xuất sắc của FS thế giới như Kotaro Oshio, Yuki Matsui (Nhật Bản), Paddy Sun (Trung Quốc), Sungha Jung (Hàn Quốc), Tobias Rauscher (Đức)… giờ đây đã không còn quá xa lạ.
Bạn trẻ Nguyễn Đình Quang, sinh viên năm 3 Khoa Guitar-Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, phân tích: “FS thực chất là sự phát triển từ guitar classic. Tuy nhiên, khác với guitar classic, FS chủ yếu sử dụng kỹ năng của tay phải và tận dụng tối đa tất cả các bộ phận trên cây đàn. Vì vậy, muốn học FS phải có “ngón”, tức có căn bản, bởi để chơi 1 bài cho ra (vừa đúng kỹ thuật, vừa có thần thái-P.V) rất khó, có bài tập đến mấy tháng trời mới xong”. Biết đến trào lưu này vài năm trở lại đây, Quang cũng đã dành thời gian tập luyện và “lận lưng” khá nhiều bài FS nổi tiếng như: Sunflower, Happy New Year, Haru Haru, River Flows In You… Riêng bài Hotel California, chàng sinh viên này phải mất đến 7-8 tháng trời khổ công bởi bài này dài đến hơn 10 trang nhạc.
Với nhiều kỹ thuật lạ mà chỉ dân “có nghề” mới am tường như: palm, palm mute, nail attack, harmonic, tapping, stapping, flicking…, fingerstyle (FS) là phong cách chơi guitar một cách tinh tế thông qua việc sử dụng các ngón tay, móng tay hoặc picks gắn vào ngón tay để gảy hoặc đánh nốt; hay sử dụng sự linh hoạt của đôi bàn tay tác động vào đàn để tạo ra âm thanh độc đáo và mới lạ, khiến cho bản nhạc trở nên vô cùng sống động, nghe như có nhiều nhạc cụ cùng tham gia. |
Theo học guitar đã 3 năm, với em Nguyễn Lê Tiến Công-Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) FS không chỉ là đam mê mà còn là một thú vui lành mạnh. Trước khi học bài ở nhà, em thường chơi vài bài để thư giãn thay vì “cày games” như trước đây. Với chút tài lẻ và niềm say mê đối với những tác phẩm đang được giới trẻ yêu thích, Công cũng thường xuyên tham gia diễn tấu trong các phong trào văn nghệ ở trường. Dù chơi đàn chưa thật thành thục nhưng Công cho biết em sẽ theo đuổi phong cách này lâu dài bởi FS “quá hay”, có bài nhẹ nhàng nhưng cũng có bài rất mạnh mẽ, tất cả đều đòi hỏi sự xử lý khéo léo của bàn tay người nghệ sĩ.
Một bạn trẻ khác là Phạm Đăng Thanh-học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông) cũng đã bị FS cuốn hút đến mức quyết định tới đây sẽ nộp hồ sơ thi vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh với mong muốn trở thành một nghệ sĩ FS thực thụ. Thanh chia sẻ: “FS rất đặc biệt, khán giả có thể vừa nghe, vừa ngắm người nghệ sĩ biểu diễn, giống như họ đang múa trên những phím đàn. Nếu chỉ nghe thôi thì tưởng như có cả ban nhạc đang diễn tấu, nhưng thực ra chỉ có một cây đàn… Một nhưng cũng có thể làm được rất nhiều điều...”. Chính vì vậy, trong một lần lên mạng xã hội thấy phong cách này hay hay, Thanh tập thử rồi “nghiện” luôn. Tuy mới chơi FS được khoảng 1 năm nay nhưng Thanh đã tập được hơn 20 bài từ dễ đến khó. Có mẹ là giáo viên dạy nhạc nên “cây văn nghệ” của Trường THPT Lê Quý Đôn này cũng có nhiều thuận lợi khi bắt đầu tập tành guitar và thử sức ở những phong cách mới. Thanh cho biết, em thường chơi đàn sau khi đi học về, lúc việc nhà đã xong. “Lúc đầu tập thấy khó lắm, nhưng cái gì cũng cần có thời gian, nếu có cảm âm, cảm nhịp tốt thì sẽ thuận lợi hơn. FS đem lại cái nhìn mới mẻ cho mọi người về guitar, là một thú vui lành mạnh, rèn luyện cho con người tính kiên trì rất cao. Và cũng nhờ đó mà em có cơ hội giao lưu, học hỏi được ở nhiều bạn bè khác…”-Đăng Thanh cho biết.
Lam Nguyên