(GLO)- Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai tiếp tục kêu gọi đầu tư 5 dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Gia Lai nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, là trung tâm Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tỉnh cũng có diện tích rộng và dân số đông, có truyền thống lịch sử-văn hóa đậm nét, đất đai màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên. Không chỉ vậy, so với các địa phương trong vùng, Gia Lai còn sở hữu mạng lưới giao thông khá đồng bộ, thông suốt với 6 tuyến quốc lộ chạy qua theo cả trục Bắc-Nam và Đông-Tây. Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón các loại máy bay hiện đại cỡ lớn, tần suất 18-22 chuyến/ngày, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước.
Gia Lai đang kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên. Ảnh: Hà Duy |
Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 845.000 ha, phù hợp phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tỉnh cũng sở hữu nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Gia Lai là miền đất được thiên nhiên ưu đãi khi nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 25 độ C tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm, địa hình đa dạng gồm hệ thống đồi núi thấp xen lẫn thung lũng, sông hồ và ghềnh thác, tạo nên những cảnh đẹp hùng vĩ, đặc trưng. Chưa kể, các di sản quý giá như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng rộng 413.511 ha, Biển Hồ-một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… tạo nên điều kiện lý tưởng để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh đó, tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng diễn ra ngày 20-11 tại Lâm Đồng, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư 5 dự án có quy mô lớn gồm: Dự án du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya; Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radian, sản phẩm cao su kỹ thuật và cao su băng tải; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Dự án Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya được quy hoạch ở phía Bắc TP. Pleiku và phía Nam huyện Chư Păh. Khu vực dự án cách TP. Kon Tum chưa tới 40 km về phía Bắc, cách Khu du lịch Măng Đen 90 km, Nhà máy Thủy điện Ia Ly 30 km, cửa khẩu quốc tế Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia khoảng 85 km. Đặc biệt, từ Sân bay Pleiku đến Biển Hồ chưa đầy 10 phút ô tô… Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya trở thành khu du lịch quốc gia, tạo động lực thu hút khách du lịch và thúc đẩy du lịch Gia Lai phát triển, đồng thời tạo điểm nhấn trên các tuyến du lịch quan trọng của quốc gia và khu vực. Dự án có diện tích gần 5.200 ha (trong đó, diện tích xây dựng dự kiến khoảng 1.000-1.500 ha), vốn đầu tư dự kiến 1,5 tỷ USD. Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya có quy mô gồm: du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động du lịch kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp với đa dạng các loại hình như khu biệt thự sinh thái, resort, Spa-Bungalow, chăm sóc phục hồi sức khỏe, các khu thương mại, dịch vụ quy mô lớn; các khu thể thao như đua ngựa, golf kết hợp các khu vui chơi giải trí tổng hợp và các công viên chuyên đề.
Nói về dự án này, ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Dự án sẽ trở thành khu du lịch có lợi cho nhà đầu tư vì nó nằm trong trung tâm của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Nhà đầu tư dự án này sẽ được hưởng nhiều chính sách, điều kiện ưu đãi. Về đất đai, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định. Chưa kể, dự án còn được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.
Danh thắng Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Phạm Quý |
Tương tự, Dự án Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên dự kiến có diện tích 511 ha (trong đó giai đoạn 1 là 266 ha, giai đoạn 2 là 245 ha) được bố trí tại huyện Mang Yang. Trung tâm logistics được hiểu là một điểm kết nối liên hoàn các phương tiện vận tải của khu vực, giúp giảm thời gian luân chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng và giảm chi phí logistics. Gia Lai có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thường xuyên nên nhu cầu về logistics để phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa là rất lớn. Vì vậy, mục tiêu của dự án này là đáp ứng nhu cầu vận tải container nội địa đang tăng nhanh, chia sẻ cho vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, trong đó, có 171 dự án được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 với tổng số vốn đăng ký 65.506 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 8.013 ha. Riêng trong 2 năm (2020-2021), UBND tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 105 dự án với tổng vốn đăng ký 65.147 tỷ đồng. |
Dự án du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) thuộc khu vực phía Đông Nam tỉnh, được UBND tỉnh cấp giấy phép với 500 ha để xây dựng. Với diện tích mặt nước rộng 37 km2 cùng với hệ sinh thái phong phú, hồ Ayun Hạ từ lâu là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Xã Ayun Hạ còn có lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh đặc sắc với Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi, chùa Quang Sơn…Vì vậy, dự án này sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, giúp các làng đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai sinh sống quanh khu vực hồ Ayun Hạ phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập.
Ngoài ra, cũng trong đợt xúc tiến đầu tư này, tỉnh còn kêu gọi đầu tư vào 2 dự án khác là Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radian, sản phẩm cao su kỹ thuật và cao su băng tải với diện tích dự kiến 75 ha và Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cũng có diện tích khoảng 75 ha.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Những điều kiện thuận lợi vốn có đang được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch; luôn đồng hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư... Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác lập quy hoạch gồm quy hoạch chung, phân khu, chi tiết để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư”.
HÀ DUY