Thông tin nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc Blackpink chuẩn bị tổ chức liveshow ở Hà Nội đã khuấy động người hâm mộ Việt Nam trong những ngày gần đây. Người thì khoe đã sở hữu được tấm vé đắt đỏ, người khác vẫn mải miết “săn lùng”. Điều đáng nói, mỗi tấm vé đi xem concert (buổi biểu diễn ca nhạc) trị giá từ vài triệu đồng đến gần chục triệu đồng. Chưa kể, ngoài vé vào cổng, khán giả còn phải trả thêm các chi phí khác như khách sạn (đối với người ở xa), ăn uống, phương tiện di chuyển, dụng cụ cổ vũ. Không gian buổi concert rộng, mọi người còn bàn đến việc thuê điện thoại có độ zoom camera cận, rõ nét để có thể ngắm idol từ xa. Tổng chi phí cho một lần “đu idol” có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Với những người khá giả, khoản chi này có thể sẽ rất bình thường, song với những người lương tháng ba cọc ba đồng thì thực sự cần tính toán lại việc đi xem thần tượng biểu diễn trực tiếp.
Trò chuyện trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ cho biết, mình đã phải gồng gánh trả nợ thẻ tín dụng trong suốt thời gian dài sau khi vay tiền để đi xem idol biểu diễn ở nước ngoài. Một bạn trẻ khác tâm sự gia đình thuộc diện hộ nghèo, tiền học bổng được 5 triệu đồng và rất muốn dùng số tiền này để đi xem đêm nhạc. Bất chấp để đạt được điều mình muốn dù trong chốc lát, không cần suy xét hậu quả về sau chính là biểu hiện tiêu cực của lối sống YOLO.
Báo cáo “Year in Search 2022” dành cho Việt Nam của Google cho thấy, gần 30% người Việt (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức sau đại dịch. Sau khi trải qua biến cố, nhiều người có xu hướng sống vì bản thân nhiều hơn. Thay vì chi tiêu tiết kiệm, dành tiền đầu tư, ngày càng có nhiều người chọn việc tiêu tiền không có điểm dừng để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cá nhân. Cũng vì lẽ đó mà một bộ phận, nhất là giới trẻ thường “vung tay” cho những món ăn xa xỉ, quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền hay những chuyến du lịch nghỉ dưỡng sang trọng mà quên mất chuyện tích lũy, tiết kiệm đề phòng rủi ro. Thực tế, mức thu nhập càng cao, nhu cầu hưởng thụ càng cao. Người trẻ càng “thả nổi” bản thân, cho phép tiêu dùng nhiều hơn vào những món đồ, dịch vụ được cho là đẳng cấp. Điều đó cũng khiến họ nhanh chóng rơi vào trạng thái “chưa hết tháng thì đã hết tiền”. Tư tưởng YOLO cũng ảnh hưởng đến thái độ của họ trong công việc, thích an nhàn, tính toán nghỉ hưu sớm dù tuổi đời còn rất trẻ. Không chỉ vậy, họ sẵn sàng “bật” sếp khi bất đồng quan điểm và vô tư nhảy việc. Họ nghĩ rằng, bản thân “chỉ sống một lần” nên bất chấp tất cả để thỏa mãn nhu cầu trước mắt, thỏa mãn cái tôi bột phát, thậm chí phá vỡ mọi quy chuẩn, chuẩn mực vốn có.
Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách hiểu về YOLO. Vì “chỉ sống một lần trong đời” nên phải sống sao cho thật ý nghĩa, thật đáng sống mới là tầng nghĩa đúng của YOLO. Có thể đó là nỗ lực học tập, cố gắng hơn nữa trong công việc, vượt qua giới hạn của bản thân, chăm chỉ thể dục thể thao, tận hưởng những điều tốt lành xung quanh để đem lại cho mình những trải nghiệm đẹp và đáng quý hơn.