Sức khỏe

Mỗi năm 6 triệu người chết, thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong trên thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 26-9, tại TP. Pleiku, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Quỹ phòng-chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Y tế Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học phổ biến một số kết quả nghiên cứu về phòng-chống tác hại của thuốc lá với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong và ngoài tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe triển khai thực hiện công tác phòng-chống tác hại thuốc lá năm 2024 tại Gia Lai; tổng quan nghiên cứu về tác hại của thuốc lá điện tử, một số nghiên cứu liên quan giữa thuốc lá với bệnh béo phì và bệnh Alzheimer; kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam và tình hình thực hiện Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá; thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá và sức khoẻ cộng đồng.

Quang cảnh Hội thảo khoa học phổ biến một số kết quả nghiên cứu về phòng-chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh Hội thảo khoa học phổ biến một số kết quả nghiên cứu về phòng-chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Như Nguyện

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh béo phì, bệnh Alzheimer. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.

Ngày 18-6-2012, Quốc Hội đã ban hành Luật số 09/2012/QH13 về Luật Phòng-chống tác hại thuốc lá. Trong Luật Phòng- chống tác hại thuốc lá gồm một số nội dung cơ bản như sau: Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng-chống tác hại thuốc lá; đưa nội dung phòng-chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng-chống tác hại của thuốc lá.

Hội thảo do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Quỹ phòng-chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Y tế Gia Lai tổ chức. Ảnh: Như Nguyện

Hội thảo do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Quỹ phòng-chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Y tế Gia Lai tổ chức. Ảnh: Như Nguyện

Tại Gia Lai, tình hình sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn cao. Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của Gia Lai năm 2017, tỷ lệ hút thuốc lá tại tỉnh là 26,5% trong đó tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47%, tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới 2,8%. Nhóm tuổi 41- 60 tuổi có tỷ lệ hút thuốc còn cao chiếm 29,07%. Người sử dụng thuốc lá có thói quen hút thuốc lá tại nhà và nơi công cộng. Tỷ lệ hút thuốc lá tại nhà hàng, quán ăn là 86,36%; tại quán cà phê giải khát là 91,06% ; trên phương tiện giao thông công cộng là 29,21%. Các đối tượng hút thuốc thường là lái xe, lao động tự do, người nông dân và một bộ phận nhỏ cán bộ công chức, viên chức, lao động...Ý thức về tác hại của thuốc lá, không hút thuốc lá ở nơi công cộng của người dân vẫn chưa triệt để, đặc biệt là trong dân cư.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong triển khai hiệu quả công tác phòng-chống tác hại của thuốc lá. Qua hội thảo, các đại biểu có thêm kiến thức, kinh nghiệm và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong triển khai công tác phòng-chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm