Số ca nhiễm virus corona đang tăng nhanh ở mức chưa từng thấy trên toàn thế giới, chủ yếu ở khu vực Mỹ Latin, châu Phi, châu Á và Trung Đông.
Các phu đào huyệt mặc đồ bảo hộ mai táng một người chết vì COVID-19 tại nghĩa trang Vila Formosa lớn nhất ở Sao Paulo, Brazil, ngày 22-5-2020 - Ảnh: REUTERS |
Theo báo New York Times, mặc dù dịch bệnh có vẻ như đang lắng dần tại những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nề giai đoạn đầu, hiện vẫn đang có hơn 100.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày trên toàn thế giới, chủ yếu từ các khu vực bị ảnh hưởng dịch giai đoạn sau là Mỹ Latin, châu Phi, châu Á và Trung Đông.
Cơ sở dữ liệu về dịch bệnh của báo New York Times nhận thấy trong hai tuần qua, số quốc gia ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới virus corona nhiều gấp đôi so với những nước ghi nhận mức giảm.
Riêng trong ngày 30-5, tổng số ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận trong một ngày trên toàn cầu lên đến 134.064, cao nhất từ trước tới nay.
Về tổng thể, tới nay toàn thế giới đã có hơn 6.699.000 ca bệnh COVID-19, trong đó hơn 393.000 người đã chết. Hơn 1/4 trong tổng số người bệnh đã chết ở Mỹ. Tuy nhiên tình hình diễn biến đại dịch ở các khu vực địa lý đang thay đổi nhanh chóng.
Trên thực tế tại một số nước, số ca bệnh ghi nhận tăng do cải thiện các chương trình xét nghiệm COVID-19. Nhưng tại nhiều nơi, có vẻ như dịch bệnh đang tấn công với quy mô lây lan rộng hơn và mức độ chết chóc cũng lớn hơn. Có những nước mà cứ sau 2-3 tuần, số ca bệnh mới lại tăng gấp đôi như Brazil, Peru, Ai Cập, Nam Phi, Bangladesh.
Tại Brazil, quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latin, số người chết vì COVID-19 đã vượt mốc 30.000 trong ngày 2-6. Đó cũng là ngày ghi nhận số người chết vì virus corona kỷ lục trong vòng 24h của Brazil với 1.262 trường hợp.
Brazil hiện có hơn 615.870 ca bệnh (số liệu ngày 5-6), chỉ đứng sau Mỹ. Bất chấp thực tế, Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn nói "đó là số phận của mỗi người".
Peru cũng đã có hơn 170.000 ca bệnh bất kể đã có những biện pháp ứng phó nghiêm túc từ rất sớm. Tổng thống nước này, ông Martín Vizcarra, là một trong những nguyên thủ công bố thực hiện phong tỏa phòng dịch COVID-19 đầu tiên tại Nam Mỹ.
Trong nhiều tháng, Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả Rập, dường như đã tránh được đại dịch COVID-19. Hồi đầu tháng 3, Ai Cập mới chỉ xác định có 45 ca bệnh trên một tàu du lịch ở sông Nile, tuy nhiên gần đây số ca bệnh của nước này đã tăng vọt, tới ngày 5-6 là 29.767 ca.
Theo D.KIM THOA (TTO)