Phóng sự - Ký sự

Mối nguy từ thuốc lá điện tử: Đe dọa sức khỏe giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở người VIệt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Gánh nặng kép vừa hút thuốc lá truyền thống vừa hút thuốc lá điện tử đã và đang đe dọa sức khỏe người dân nói chung và giới trẻ nói riêng.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử của học sinh 13 - 15 tuổi tăng
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết khảo sát toàn quốc về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi trên toàn quốc năm 2022 do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện cho thấy tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) có khuynh hướng gia tăng rất nhanh. Nếu năm 2015, tỷ lệ là 0,2% thì năm 2020 cho kết quả 3,6%, tăng 18 lần sau 5 năm.

Học sinh trường THPT L.Tr (TP.Thủ Đức) tụ tập hút pod. Ảnh: Trần Duy Khánh
Học sinh trường THPT L.Tr (TP.Thủ Đức) tụ tập hút pod. Ảnh: Trần Duy Khánh
Theo nghiên cứu năm 2020 ở người trên 15 tuổi tại TP.HCM do HCDC và Đại học Y Dược thực hiện, tỷ lệ người đã sử dụng TLĐT hiện là 6%, trong đó 3,3% là đang sử dụng. Kết quả cho thấy tỷ lệ này ở TP.HCM cao hơn số liệu chung toàn quốc.
Trong điều tra thuốc lá toàn cầu (Global Youth Tobacco Survey) tại VN năm 2022, đối tượng điều tra là học sinh 13 - 15 tuổi cho thấy tỷ lệ đã sử dụng TLĐT là 7,8%, trong đó 3,5% đang sử dụng. Tỷ lệ đang sử dụng TLĐT năm 2022 này tăng so với năm 2014 (2,7%).
“Đáng lưu ý trong 3,5% đang sử dụng TLĐT thì nam giới hút nhiều 1,5 lần so với nữ. Tuy nhiên, các bạn nữ hiện cũng đang có khuynh hướng gia tăng sử dụng TLĐT không khác nam giới. TLĐT đang được quảng cáo nhắm tới nữ giới trẻ tuổi, với mục đích khuyến khích nữ giới chứng minh bản thân bình đẳng với nam giới bằng cách hút thuốc lá”, bác sĩ Hải Yến nói.
Chiến lược kinh doanh nhằm vào giới trẻ
Nhiều bạn trẻ cho rằng TLĐT không nguy hại vì không chứa hoặc chứa rất ít nicotin so với thuốc lá truyền thống. Bác sĩ Hải Yến dẫn kết quả khảo sát năm 2020 tại TP.HCM cho thấy 31,7% người tham gia nghiên cứu nghĩ rằng TLĐT và thuốc lá truyền thống có tác hại đến sức khỏe như nhau. Khoảng 6% đối tượng nghiên cứu cho rằng TLĐT ít hại hơn nhiều so với thuốc lá thông thường, và 8,8% không biết về tác hại của TLĐT so với thuốc lá thông thường. Tỷ lệ người cho rằng TLĐT hại ít hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường cao nhất ở người trẻ (15 - 24 tuổi).

Cô gái hút TLĐT trong quán ăn. Ảnh: Duy Tính
Cô gái hút TLĐT trong quán ăn. Ảnh: Duy Tính
“Những kiến thức trên cho thấy người trẻ đang bị tác động rất nhiều từ chiến lược kinh doanh, quảng cáo của nền công nghiệp thuốc lá”, bác sĩ Hải Yến nhìn nhận. Theo đó, chiến lược kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá tập trung vào người trẻ dưới 25 tuổi vì 4 lý do.
Thứ nhất, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, một tỷ lệ lớn người trẻ thử hút sẽ chuyển thành người nghiện hút lâu dài. Thứ hai, hầu hết người hút thuốc lá bắt đầu trước độ tuổi 18 và rất ít người bắt đầu sau 25 tuổi. Thứ ba, hằng năm chỉ có khoảng 10% người hút thay đổi nhãn hiệu, do đó các công ty cần lôi kéo người hút vào nhãn hiệu của mình để đảm bảo thị phần. Cuối cùng, 50% số người hút thuốc lá trưởng thành sẽ tử vong sớm, các công ty cần khách hàng thay thế và nhắm vào giới trẻ là giải pháp hiệu quả nhất.
“Quảng cáo thuốc lá hiện rất tinh vi và đánh đúng nhu cầu, tâm lý người trẻ. Trên thế giới, một số công ty thuốc lá cung cấp học bổng cho sinh viên liên quan đến việc yêu cầu sinh viên nhận học bổng viết bài luận về các chủ đề như liệu việc sử dụng TLĐT có mang lại lợi ích tiềm năng hay không. Chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ. Công ty TLĐT thường xuyên tài trợ cho các lễ hội và sự kiện âm nhạc. Sử dụng hương vị để thu hút giới trẻ. Tại thị trường Hà Lan, khoảng gần 20.000 loại nhãn hiệu dựa trên các hương vị khác nhau đã được tìm thấy”, bác sĩ Hải Yến thông tin.

Một sản phẩm TLĐT. Ảnh: Duy Tính
Một sản phẩm TLĐT. Ảnh: Duy Tính
Nguy cơ thật sự từ TLĐT
Bác sĩ Hải Yến cho biết TP.HCM chưa có báo cáo ca nhập viện nào do TLĐT. Nhưng thực tế, TLĐT chứa chất độc giống thuốc lá truyền thống. Các loại hương vị khác nhau có nhiều nguy cơ đến sức khỏe còn chưa được biết đến.
Cụ thể, TLĐT làm thay đổi cơ chế gây nghiện nicotin, rút ngắn thời gian nghiện. Nếu hút thuốc lá điếu thời gian để nghiện mất khoảng 3 năm thì sử dụng TLĐT thời gian này sẽ rút ngắn do TLĐT có thể điều chỉnh lượng nicotin và thậm chí lượng chất này còn cao hơn thuốc lá truyền thống. TLĐT làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống và sử dụng đồng thời cả hai loại. Một nghiên cứu chỉ ra rằng người trẻ tuổi sử dụng TLĐT có nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng TLĐT.
Ngoài ra, khác với thuốc lá truyền thống, TLĐT còn gây ra nhiều tác hại cấp tính, trong đó có Hội chứng tổn thương phổi do TLĐT (E-cigarette or Vaping related Acute Lung Injury Syndrome, gọi tắt là EVALI). Kể từ ngày 3.12.2019, CDC Mỹ báo cáo nhiều trường hợp EVALI nhập viện và tử vong. Tính đến ngày 18.2.2020, đã có tổng số 2.807 trường hợp EVALI nhập viện ở 50 tiểu bang với 68 trường hợp tử vong. TLĐT gây tổn thương nhu mô phổi, và hầu hết các trường hợp hồi phục khi được điều trị. Nicotin có trong thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não trẻ em và vị thành niên. Sử dụng nicotin ở lứa tuổi vị thành niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotin ở vị thành niên cũng làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai. Bên cạnh đó, TLĐT còn có nguy cơ cháy nổ và cuối cùng là nguy cơ sử dụng ma túy với TLĐT.

Nhiều bạn trẻ sử dụng TLĐT ở nơi công cộng. Ảnh: Duy Tính
Nhiều bạn trẻ sử dụng TLĐT ở nơi công cộng. Ảnh: Duy Tính
Ủng hộ cấm sử dụng TLĐT
“HCDC ủng hộ ý kiến của Bộ Y tế đề xuất Quốc hội cấm việc sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng ở VN. Với giới trẻ, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục để đưa thông tin về TLĐT đến các em học sinh, tổ chức truyền thông - giáo dục sức khỏe về thuốc lá thế hệ mới vào chương trình học để giúp các em hiểu rõ về TLĐT, thuốc lá nung nóng”, bác sĩ Hải Yến nói.
Bác sĩ Hải Yến khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi trẻ, lưu ý những biểu hiện đáng ngờ ở trẻ. Cần lưu tâm về vấn đề TLĐT để cảnh giác trước các vấn đề ở trẻ. TLĐT được cho là mắc nhưng sự thực không như vậy. Với số tiền tiêu vặt được bố mẹ cho, một nhóm trẻ có thể cùng góp tiền mua và sử dụng chung với nhau. Với vài trăm ngàn cho hàng trăm lượt hút thì nó hoàn toàn nằm trong khả năng mua và sử dụng ở trẻ. Vì vậy, phụ huynh cũng cần quan tâm thêm về quản lý chi tiêu của trẻ.
Về câu hỏi có nên chế tài học sinh sử dụng TLĐT không, bác sĩ Hải Yến cho rằng việc chế tài học sinh sẽ tùy thuộc vào quy định của nhà trường. Các trường sẽ cân nhắc các hình thức để đảm bảo tính giáo dục đến các em về TLĐT.
Theo các chuyên gia, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sẽ luôn nhắm đến thế hệ trẻ để thu hút người dùng mới thay thế người dùng cũ đã chết do tác hại của thuốc lá. Những nước như VN đang có tỷ lệ cao người dân hút thuốc lá truyền thống chưa giảm được thì chúng ta tiếp tục đương đầu với nguy cơ gia tăng tỷ lệ hút cũng như gánh nặng bệnh tật từ TLĐT, thuốc lá nung nóng. Điều này tạo ra đại dịch kép, tạo ra gánh nặng rất lớn cho VN.
“Các sản phẩm được coi là sản phẩm thuốc lá mới thực chất vẫn chỉ là sản phẩm độc hại mới, nếu chúng ta không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với thế hệ thanh niên mới. Thế hệ trẻ cần được tiếp tục bảo vệ bởi các chiêu thức tinh vi của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia”, bác sĩ Hải Yến cảnh báo.
(còn tiếp)
Theo Duy Tính (TNO)

Có thể bạn quan tâm